Quá nửa son môi trên thị trường chứa lượng chì vượt ngưỡng
Thông tin về một MC bị nhiễm độc chì vì dùng son môi được đưa ra bên lề hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017 diễn ra tại Hà Nội vừa qua được xem là thông tin gây sốc, đặc biệt đối với chị em phụ nữ có thói quen dùng son mỗi ngày.
Theo thông tin đã đưa, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai là người phát hiện ca nhiễm chì này. Đây cũng là ca nhiễm chì vì dùng son môi đầu tiên mà ông phát hiện. Vì thấy mình có những dấu hiệu như mất ngủ, táo bón, hay quên…, cô MC này đã hỏi bác sĩ Duệ. Qua thăm khám cho nữ MC, bác sĩ Duệ đã phát hiện ra tình trạng nhiễm độc chì ở mức độ nặng của cô. Cũng từ ca nhiễm độc chì này, BS Duệ đã cảnh báo tình trạng nhiễm độc chì tương tự vì thói quen dùng son môi ở chị em phụ nữ hiện nay.
Điều đáng lo ngại là hiện nay mặc dù son môi là loại vật dụng làm đẹp không thể thiếu của chị em mỗi ngày nhưng độ an toàn của nó lại là điều hết sức xa xỉ. Hầu hết chị em phụ nữ nếu có điều kiện kinh tế một chút thường chọn mua cho mình những thỏi son đắt tiền của những thương hiệu lớn. Họ cho rằng như thế là an toàn. Nhưng thực tế lại “không như là mơ” như chị em nghĩ.
Theo công bố mới đây của tổ chức FDA, những loại son môi của những nhãn hàng nổi tiếng đắt tiền lại là top những sản phẩm chứa chì cao nhất. Cụ thể, ttrong 400 loại son môi chứa chì thì hầu hết đều là những loại son thuộc các nhãn hiệu được chị em ưa chuộng và ca ngợi hết lời như Lancome, NARS, Shiseido, Mac, Chanel, Dior, Clarins, Clinique, Bobbi Brown, Estee Lauder...
Hầu hết son môi của những thương hiệu lớn trên thị trường đều chứa lượng chì cao nhất. Ảnh minh họa
Đặc biệt, hai thương hiệu vô cùng quen thuộc với phụ nữ Việt Nam là L'Oreal và Maybelline đều có sản phẩm son môi nằm trong top 10 sản phẩm chứa chì cao.
Công bố của FDA khiến chị em ngã ngửa vì thực tế giá cả cao không thể chứng tỏ chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm ít nhiễm chì nhất lại thuộc các thương hiệu rẻ tiền, như Wet & Wild Mega Mixers Lip Balm. Trong khi những thương hiệu rất quen thuộc như Burt's Bees, NARS, Avon, L'Oréal, Revlon đứng đầu trong top 20 son chứa chì cao.
Công ty tư vấn về an toàn Underwriters Laboratories của Mỹ cũng đã tiến hành phân tích thành phần hóa chất trong 22 sản phẩm son môi phổ biến ở nước này. Kết quả cho thấy rằng 12/22 (chiếm khoảng 55%) sản phẩm son môi được kiểm tra chứa hàm lượng chất chì ở mức 3,22 phần triệu.
Để nhận biết son môi chứa chì cao, BS thẩm mỹ da liễu Nguyễn Xuân Quang (trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Hà Nội) khuyên rằng, chị em nên tránh chọn những loại son có màu rực rỡ, lâu phai. Bởi son càng đậm, càng lâu phai thì độ chì oxit càng lớn. Chúng chứa những thành phần hóa học giúp son có độ bám chắc. Mặc dù chị em dùng thì cảm thấy thích vì son không trôi nhưng thực chất đó là những loại son không hề an toàn cho người sử dụng.
“Thông thường, những loại son màu đậm có độ chì cao hơn hẳn, trong khi đó, son môi màu đậm lại là sản phẩm được chị em châu Á ưa chuộng hơn hẳn", BS Quang khẳng định.
Theo các chuyên gia, tác hại của việc nhiễm chì từ son môi có thể gây ra các bệnh cao huyết áp, đau khớp, suy giảm trí nhớ. Bởi độ rực rỡ và bền màu, nhiều chị em đang sử dụng son môi lạm dụng. Sự lạm dụng này đồng nghĩa với việc chì tích tụ trong cơ thể ngày càng nhiều hơn và thải trừ độc chì ra ngoài cơ thể lại vô cùng chậm chạp. Chưa hết, những loại son có độ bám cao đều chứa nhiều chất Propylen glycol, gây ảnh hưởng không tốt cho não, gan, thận và là độc tố gây ung thư.
Lượng chì có trong các loại mỹ phẩm còn có thể khiến IQ giảm đi, dù son môi có lượng chì thấp nhất.
Làm gì để tránh nhiễm độc chì từ son môi
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là hãy chọn loại son có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng mỹ phẩm có uy tín, tránh mua các sản phẩm trôi nổi. Trước khi mua son, bạn cần đọc kỹ các thông tin trên loại son cần mua và chú ý thời hạn sử dụng trên son môi.
Trong quá trình sử dụng son môi không nên tiếp xúc nhiều với thức ăn, đồ uống. Tốt nhất là nên lau sạch son môi trước khi ăn uống để hạn chế tối đa nguồn chì vào cơ thể. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày (nhất là với dạng son màu đậm như đỏ, đỏ cam), không tô son quá đậm và nên sử dụng dung dịch tẩy trang dành cho môi sau khi trở về nhà nghỉ ngơi…
Thói quen ăn uống trong khi môi tô son rất nguy hại đến sức khỏe của chị em. Ảnh minh họa
Chị em phụ nữ nói riêng và tất cả mọi người nói chung nên tiến hành điều trị thải độc chì liên tục, nhiều đợt, nhiều tháng, nhiều năm. Thông tin từ TT Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, bệnh nhi có lượng chì trong máu cao nhất lên tới gần 200mcg/dL phải mất đến 6 năm thải độc chì mới xuống được 20mcg/dL. Do đó, nhiễm vụ thải độc chì là nhiệm vụ dài hơi, cần thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo sức khỏe. Biện pháp đơn giản nhất giúp giảm lượng chì tiêu thụ vào cơ thể là tăng cường các thực phẩm có tác dụng thải độc chì như: Tỏi, sữa chua, trà, trái cây, các loại rau quả như rau cải mỡ, bắp cải, mướp đắng, những loại giàu vitamin C, cà rốt, tôm, hàu, rong biển...
Ngân Khánh
No comments:
Post a Comment