Có thể tôi trẻ, nhưng tôi đã có kinh nghiệm xem và theo dõi phim Việt đủ lâu để nhận ra rằng giới trẻ ngày nay chẳng còn ai có hứng thú với phim truyền hình Việt. Họ xem phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc, phim Mỹ, phim Hong Kong, phim Ấn Độ, phim Nhật và thẳng thừng chuyển kênh nếu có đài nào đang phát phim Việt. Thế nhưng mỗi ngày vẫn có trên dưới mười bộ phim Việt được phát sóng trên các đài, chúng được chiếu cho ai xem? Chính là những người nội trợ, những người già và những người giết thời gian chứ không phải những người muốn xem phim. Bạn thử bất chợt về nhà vào những giờ chiếu phim Việt xem, biết đâu sẽ thấy mẹ hay bà mình đang bật một phim Việt trên kênh nào đó, nhưng là để cho nhà cửa có tiếng động hoặc xem các nhân vật nói chuyện cho vui chứ không phải thưởng thức.
Ấy vậy mà khoảng mấy tháng trước, mùa hè của tôi bỗng dưng sôi động hẳn bởi hai bộ phim Việt chiếu trên truyền hình, là Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng. Những bạn bè đồng nghiệp xung quanh tôi vốn chẳng bao giờ chịu xem phim Việt cũng phải xem, xem xong lại bàn tán về tình tiết phim, suy đoán xem ai mới là con ruột của ông trùm Phan Quân hoặc cuối cùng Vân và mẹ chồng có làm lành không. Một đồn mười, mười đồn trăm, nhà nào cũng bật tivi để xem phim Việt Nam, chuyện mà cũng đã gần 10 năm rồi mới thấy lại. Mở bất kì một trang báo hay trang tin nào ra cũng thấy các bài viết về phim hoặc diễn viên của Người Phán Xử, Sống Chung Với Mẹ Chồng. Không muốn cũng phải tự giác đặt câu hỏi: Phải chăng phim truyền hình Việt đã trở lại thời hoàng kim? Tất nhiên là kèm theo cảm giác vui mừng.
Sẽ chẳng đạo diễn hay diễn viên nào dám trả lời câu hỏi đấy của tôi cả. Nhưng tôi tin mọi người đều có một sự phấn khích và chút lạc quan trong suy nghĩ, rằng thực chất khán giả chưa bao giờ quay lưng với phim Việt, miễn là nó đủ hấp dẫn. Thế là sự dịch chuyển bắt đầu xuất hiện ở đủ mọi phương diện. Nếu lúc trước có 100 phim đang phát trên truyền hình nhưng chẳng ai biết nó tồn tại thì giờ đây các trang tin trên facebook, các fanpage của công ty sản xuất, nhà đài bắt đầu quảng cáo về nó nhiều hơn. Họ tận dụng sức hút từ fanpage của hai phim Người Phán Xử, Sống Chung Với Mẹ Chồng để quảng bá cho những phim thế sóng. Ngay cả hãng phim truyện thành phố Hồ Chí Minh (TFS) cũng trở lại sau khoảng 2 năm tạm nghỉ để kịp tận dụng sự quan tâm của khán giả dành cho chiếc tivi, trước khi nó nguội lạnh.
Nhưng, rốt cuộc vẫn chẳng có một hiện tượng nào nữa sau hai bộ phim kia. Kể cả dự án Việt hoá series Glee đình đám cực kì hút truyền thông và dư luận khi công bố cũng "ngã sấp mặt" ngay khi phát sóng tập đầu tiên bởi đầy rẫy những ý kiến tiêu cực. Thế là từ chỗ những hy vọng được bơm lớn dần, thậm chí là trở thành những giấc mộng to tát, phim truyền hình Việt lại quay về cái thời điểm hổ lốn và tạp nham. Nó lại khiến tôi phải đặt ra những câu hỏi "tại sao", "tại sao" và "tại sao"!?
Xin được mượn câu thoại đinh của chú Hoàng Dũng trong Người Phán Xử để biến tấu và tự trả lời cho thắc mắc của mình. Tôi nhận ra sở dĩ Người Phán Xử hay Sống Chung Với Mẹ Chồng "hot" như vậy không phải vì chúng có những diễn viên ngôi sao hay chiến lược truyền thông bài bản. Tất nhiên nếu người ta không thèm quan tâm đến diễn viên hay chính nhà sản xuất không đẩy mạnh quảng bá cho phim thì chúng cũng không bùng nổ như thế. Nhưng cái quan trọng nhất ở hai bộ phim này chính là kịch bản.
Người Phán Xử được Việt hoá từ một phim truyền hình ăn khách nhất tại Israel còn Sống Chung Với Mẹ Chồng được dựa trên một tiểu thuyết của Trung Quốc. Trên nền tảng những cái hay ho có sẵn, biên kịch và đạo diễn mới biến chúng thành những thước phim hấp dẫn trên truyền hình, khơi được những vấn đề bức thiết của đời sống (chuyện mẹ chồng nàng dâu), đánh đúng vào tâm lý chờ đợi những thứ quyết liệt của phim hình sự mà lâu nay kịch bản nước nhà vẫn còn thiếu.
Chính vì như thế nên chúng mới trở thành hiện tượng, thành chủ đề để người ta bàn tán và theo dõi suốt một thời gian. Chứ không phải vì một cái tên đình đám nào đó nhưng chỉ xuất hiện nhạt toẹt với mục đích câu kéo lượng fan mê thần tượng. Sự hấp dẫn của Người Phán Xử, Sống Chung Với Mẹ Chồng đến từ thứ căn nguyên nhất của một bộ phim là nội dung. Người ta chấp nhận gác mọi chuyện để ngồi trước tivi và chờ xem phim vì phim hay chứ không phải để giết thời gian nữa.
Sự thành công đó đã mở ra cánh cửa hy vọng cho những người từng yêu mến phim Việt như tôi, rằng phim Việt chưa chết. Chúng ta vẫn có thể được xem những bộ phim hấp dẫn thực sự, những bộ phim tạo ra ngôi sao chứ không phải dùng ngôi sao để câu kéo rating một cách tạm bợ.
Như đã nói, sự háo hức của không chỉ khán giả mà cả những nhà đầu tư, nhà sản xuất đã thay đổi từ sau hai hiện tượng kia. Không ít người nhận ra "remake" chính là một giải pháp bức thiết, cứu cánh trong thời điểm phim Việt quá thiếu thốn những kịch bản hay. Từ phim chiếu rạp đến phim truyền hình, web-drama, trào lưu "remake" nổ ra như cách người ta giật cô hồn rằm tháng Bảy. Thực ra cũng không hẳn là chê trách, bởi nếu "remake" mà ra chuyện, ra được dấu ấn như bà mẹ chồng tai quái tên Phương hay người phán xử tên Quân thì rất đáng hoan nghênh.
Nhưng nếu "re" để "make" ra một sản phẩm kệch cỡm, sượng sùng như Glee Việt thì xin khiếu. Khán giả Việt không dư thời gian để xem một bộ phim bê nguyên si tình huống, câu thoại từ bản gốc vào bản Việt mà không hề có sự cân nhắc về văn hoá. "Đứng lên như những mái chèo" hay "tinh trùng bơi rất nhanh trong nước nóng" cùng hàng loạt những đoạn phim gượng ép, đáng mắc cỡ suốt hơn một tháng qua chính là những vết thương gây ra sang chấn tâm lý cho những người đã chờ đợi Glee Việt.
Có được sự quan tâm từ lúc công bố dự án, tuyển diễn viên chính là những lợi thế mà không phải bộ phim nào muốn cũng sẽ có được. Ban đầu chẳng ai nghĩ Người Phán Xử hay Sống Chung Với Mẹ Chồng thành công cả, nhưng rốt cuộc nó gây sốt từ tập đầu tiên. Còn Glee bắt đầu trong lúc mà người người, nhà nhà đang rất háo hức và đặt lại niềm hy vọng vốn từ lâu không có cho phim Việt, nhưng rốt cuộc khán giả lại được chiêu đãi một món ăn kì lạ được nấu từ những nguyên liệu ngoại nhập, chế biến theo kiểu Tây nhưng với cơ sở vật chất và kinh nghiệm của những người nấu món Việt. Một bữa ăn dài hạn khiến thực khách chẳng biết phải nên mắng vốn người đi chợ, đầu bếp hay người phục vụ.
Tất nhiên bộ phim vẫn "hot", nhà sản xuất vẫn có quyền tự hào khi làm ra được một sản phảm mà ai cũng quan tâm dù là quan tâm để... chửi! Nhưng xin nhớ, Glee Việt không phải phim chiếu rạp 90 phút , chẳng ai đủ kiên nhẫn để mỗi tuần chờ đợi rồi chửi cả! Khán giả chỉ muốn xem phim mà thôi, hay thì khen mà lỡ có dở thì mới chê, chứ phim làm ra để người ta chửi thì sai mục đích rồi! Thật sự nó giống như một cú tát đau điếng vào những gì mà khán giả đã trót vẽ vời trong tâm trí sau khi xem Người Phán Xử vậy.
Glee Việt thất bại là chuyện đã đành, nhưng cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho nó là nguyên nhân khiến phim truyền hình Việt cứ mãi èo uột. Tôi nhận ra suốt bao nhiêu năm nay, khán giả cứ đôi khi lại nhận một hai bộ phim hay, bùng nổ rồi lại tắt lịm là do chúng ta không có một chiến lược và định hướng chắc chắn. Đáng lý sau khi Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng kết thúc, khi mà khán giả vẫn còn giữ thói quen mở tivi suốt nhiều tháng liền thì nên có những bộ phim với chất lượng tốt hơn hoặc bằng trám vào. Ấy nhưng mà những Giao Mùa hay Những Người Nhiều Chuyện vẫn từ từ bị lãng quên. Cũng chỉ bởi lý do muôn thuở: phim nhạt. Kể cả có dùng chính fanpage của hai phim cũ để làm truyền thông đi nữa thì khán giả cũng lần lượt bỏ nhà đài mà đi như những dòng sông nhỏ, phim dở thì người ta cũng chán nhanh như nước trôi qua cầu.
Vấn đề ở đâu? Ở chỗ hiện tại chẳng còn bao nhiêu công ty hay các đơn vị chịu đầu tư làm phim truyền hình nữa. Những công ty tư nhân như Lasta, MT Pictures cách đây chục năm giờ đã mất bóng trên thị trường vì phim làm ra chẳng có hiệu quả. Đến cả TFS cũng phải tạm dừng mấy năm, bỏ lại một mình VFC (công ty nhà nước) một mình một cõi tung hoành trên truyền hình thì hỏi làm sao chất lượng phim cứ mơ hồ như sương khói.
Nhìn sang nước bạn như Hàn Quốc, sẽ thấy không chỉ những đài lớn như SBS, KBS, MBC mà cả những kênh truyền hình tư nhân như tvN cũng đều cạnh tranh sản xuất phim truyền hình. Nếu những đài của quốc gia có sẵn tiếng tăm, địa thể, có cả phim trường hoành tráng thì đài tư nhân phải quyết liệt đầu tư vào kịch bản, chiêu dụ các biên kịch giỏi để có thể thu hút người xem.
Ở đâu cũng vậy, có cạnh tranh thì mới có tiến bộ. Trong khi hiện tại các kênh truyền hình ở Việt Nam vẫn rất nhiều nhưng chẳng được mấy kênh tự sản xuất phim. Cạnh tranh không có dẫn đến chất lượng phim yếu kém là điều tất yếu, đã thế còn bị chiếm sóng bởi mấy gameshow các loại. Thiết nghĩ, nếu TFS quyết liệt hơn trong lần trở lại này, các đài tư nhân như tvHub, tvBlue cũng quan tâm hơn đến phim truyền hình nội địa thì mới mong có những cuộc so tài bàng chất lượng mà thôi.
Nói đi cũng phải nói lại, với cương vị là một người quan tâm phim Việt, chúng ta cũng nên bình tĩnh để đặt ra một câu hỏi phản biện: Chẳng lẽ phim Việt không thể có những kịch bản hay, chẳng lẽ remake là giải pháp duy nhất!? Tất nhiên là không hẳn, remake chỉ là một phương thức cứu cánh mang tính nhất thời như đã nói. Chúng ta không thể cứ bám mãi vào nó trong khi thực tế đang chứng minh những khác biệt về văn hóa nếu không được xử lý tốt thì sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Đã như vậy thì các nhà biên kịch nên quay về điểm xuất phát để tự xây dựng những thú vị mang tính nguyên bản mà thôi!
Đừng vội bi quan, nước ta không thiếu những chất liệu và niềm cảm hứng đặc sắc để có những câu chuyện hay. Nền văn minh lúa nước, thế mạnh nông nghiệp, kho tàng văn học dân gian hay nền ẩm thực được mệnh danh là "bếp ăn của thế giới" đâu rồi, sao không dựa vào đó để phát triển những bộ phim vừa hấp dẫn vừa gần gũi! Không đao to búa lớn chút nào cả, Hàn Quốc có Dae Jang Gum, Chàng Trai Vườn Nho; Hong Kong có Kim Ngọc Mãn Đường; Việt Nam cũng từng có Cá Rô, Em yêu Anh hay Mùi Ngò Gai cơ mà! Dù những phim đó vẫn chưa khai thác hết sự hay ho về văn hóa, đặc thù nghề nghiệp hay chi tiết các món ăn nhưng không phải là chưa có tiền lệ.
Mỗi ngày chúng ta vẫn lên mạng tìm xem chỗ nào bán món ăn ngon, món đặc sản vùng miền nào mới ra đời thì tại sao những biên kịch không dựa vào chính những thứ rất cơ bản đó để bắt đầu một câu chuyện mới. Một bộ phim về gia đình có truyền thống bán cơm tấm hay "cuộc chiến" trong việc ăn bún đậu với nước tương hay mắm tôm, hoặc xa xôi hơn là công cuộc đưa "một nghìn lẻ một" món bún từ Bắc chí Nam ra trường ẩm thực quốc tế chẳng hạn, tại sao không!? Nó không hề viển vông, chẳng qua là chúng ta có đủ kiên nhẫn và bình tĩnh để nhìn ra và khai thác đến cùng hay không thôi! Cần gì phải chạy theo các phim nước ngoài, bắt chước làm gì những câu chyện xa lạ mà rất khác biệt về văn hóa, kể một thứ đơn giản ở xung quanh mình lúc nào cũng hấp dẫn và dễ dàng hơn!
Đôi lúc nhìn sang nước bạn, thấy phim truyền hình của họ lúc nào cũng nhộn nhịp, là "cái nôi" để rất nhiều ngôi sao trưởng thành mà tôi không khỏi chạnh lòng. Khán giả nước mình cũng háo hức với phim truyền hình của họ, đâu phải vì không có phim Việt để xem, mà là không có phim Việt hay để xem! Bao nhiêu hy vọng, giấc mơ, tương lai rực rỡ được vẽ ra rồi cũng nhanh chóng lụi tàn. Một Người Phán Xử, một Sống Chung Với Mẹ Chồng rồi cũng sẽ trở thành quá khứ. Phim truyền hình Việt rồi sẽ nhanh chóng trở thành một loại hình văn hóa cheo leo trên bờ vực mà chẳng ai thiết ngó ngàng. Lần lượt từng bộ phim rồi sẽ trở thành ký ức, cũ kĩ và quý giá như những di sản có một không hai, như thời kì hoàng kim cách đây hai, ba chục năm chưa được thay thế. Đáng buồn lắm chứ khi mà sau này con cháu hỏi đến phim truyền hình Việt thì chúng ta phải cười trừ hoặc kể về một mảng ký ức cùng hai chữ đã từng.
Phim truyền hình luôn phải là một thứ gắn liền với nền điện ảnh, đừng để nó "bốc hơi" hay trở thành một kẻ độc hành tội nghiệp trên bản đồ phim ảnh nước nhà. Hãy tham vọng hơn nữa, sai lầm cũng được, nhưng phải tiếp tục sai thì mới đến được ngày làm đúng. Tham vọng không bao giờ là dư thừa, thứ khiến cho những bộ phim Việt cứ mãi loay hoay không thể bước qua cánh cửa dẫn đến một vùng đất mới chính là sự dè chừng, bỏ cuộc ngay khi gặp khó khăn ở hiện tại. Phim Việt vẫn còn khán giả, vẫn còn rất nhiều thứ có thể khai thác, chẳng qua là chúng có được thực hiện hay không mà thôi. Cũng giống như cánh cửa thần kì của Doraemon vậy, nếu Nobita không tin bạn mình, không tập trung nghĩ đến nơi mình muốn đến khi nhấc chân thì cánh cửa ấy cũng sẽ là một vật vô giá trị.
Thế nên, dũng cảm lên phim truyền hình Việt ạ! Giấc mộng lớn là thứ không dễ gì có được. Một khi đã dám mơ thì hãy mơ đến cùng. Mơ mộng không khiến cho thực tại tự dưng trở nên hoàn hảo nhưng nó sẽ là động lực, là cảm hứng để ta quyết liệt hơn mà nỗ lực. Đã có một quá khứ hoàng kim cùng những tiềm năng ở hiện tại, chẳng lý do gì để ta từ chối nhìn về một tương lai rực rỡ cả. Chớ để phim truyền hình Việt sau này nhắc lại vẫn chỉ là một ký ức càng ngày càng nhạt nhoà.
No comments:
Post a Comment