Suốt nhiều năm liền, người dân ở ngôi làng Saja Pahad của tỉnh Koriya, bang Chhattisgarh, Ấn Độ luôn phải sống chung với tình cảnh thiếu thốn nước nghiêm trọng.
Vì khu vực mình sinh sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, lại chỉ có 2 giếng nước phục vụ hàng trăm con người vậy nên khi chứng kiến cảnh tượng gia súc, gia cầm đói khát, người dân chẳng thể làm gì để cứu vãn tình hình. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng chẳng đưa ra được giải pháp gì để cải thiện tình hình.
Sau nhiều năm chứng kiến tình cảnh khốn khổ của người dân trong làng, cậu bé Shyam Lal (khi ấy mới 15 tuổi) đã quyết tâm làm một việc gì đó để giúp đỡ những người thân yêu. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng, Shyam Lal đã lên kế hoạch đào một cái ao thật lớn với hy vọng có thể tích trữ và cung cấp đủ nước cho người trong làng.
Ông Shyam Lal đã quyết tâm đào ao, giúp đỡ người dân trong làng khắc phục tình trạng thiếu nước.
Khi biết được việc làm của Shyam Lal, không ít người dân trong làng bật cười, cho rằng hành động của cậu bé thật ngu ngốc và vô ích. Vậy nhưng, bất chấp mọi lời đàm tiếu và chê bai, Shyam Lal vẫn kiên trì với kế hoạch của mình.
Sau khi tìm được 1 địa điểm thích hợp trong rừng, Shyam Lal đã bắt bắt tay thực hiện ngay kế hoạch của mình. Và không ai có thể ngờ rằng, công việc ấy lại kéo dài tới 27 năm, cho tới khi Shyam Lal đã trở người đàn ông 42 tuổi.
Theo Hindustan Times, kết quả cho sự nỗ lực không ngừng của người đàn ông Ấn Độ sau hàng chục năm miệt mài đó là một ao nước rộng tới 0,4 héc ta và sâu 4,5m, có thể chứa được rất nhiều nước phục vụ cho các hộ gia đình.
"Không ai giúp tôi, kể cả người dân và các cơ quan chính quyền", ông Shyam Lal chia sẻ với niềm tự hào hiện rõ trên mặt. Ông cho biết tất cả những gì mình làm chỉ là để giúp đỡ phần nào cho người dân và các loại vật nuôi trong làng.
Sau 27 năm trời, ông Shyam Lal đã thực hiện được kế hoạch của mình.
Trước những gì mà Shyam Lal đã làm, người dân trong làng đã coi ông như một vị cứu tinh, một tấm gương sáng để noi theo và học tập. Ông Ramsaran Bargar (70 tuổi), người đã chứng kiến toàn bộ quá trình đào ao vất vả của Shyam, cho biết "Giờ đây, mọi người đều dùng cái ao này và chúng tôi thực sự biết ơn cậu ấy".
Theo nhiều nguồn tin chia sẻ trên tờ Hindustan Times, người dân ở làng Saja Pahad vốn chẳng có điện hay những con đường kết nối với thế giới bên ngoài. Nguồn nước duy nhất mà họ có được là từ 2 chiếc giếng.
Vào ngày thứ Sáu tuần trước (25/8), ông Shyam Bihari Jaiswal, đại diện cho quan chức cấp cao tại địa phương, đã tới thăm làng Saja Pahad và trao tặng 10.000 Rupees (khoảng 3,5 triệu đồng) cho những nỗ lực của ông Shyam Lal.
Trong khi đó, ông Narendra Duggal - người phụ trách thu thuế của tỉnh Koriya cũng hứa sẽ hỗ trợ cho ông Shyam Lal. "Tôi cũng mới biết về câu chuyện của ông Shyam gần đây. Nỗ lực mà ông ấy dành cho ngôi làng của mình thật đáng khen ngợi, tôi sẽ tới đó và hỗ trợ cho ông ấy tất cả những gì có thể", ông Narendra Duggal khẳng định.
Ông Dashrath Manjhi cũng từng dành 22 năm để đẽo đá làm đường.
Kỳ tích của Shyam Lal đã khiến bao người bồi hồi nhớ lại câu chuyện đẽo đá làm đường của ông Dashrath Manjhi. Suốt 22 năm (từ năm 1960 đến năm 1983), ông Manjhi đã không quản ngày đêm, cứ lúc nào rảnh tay là ông lại đem búa, đục ra ngọn núi gần làng Gehlour, phía đông bang Bihar để cặm cụi đục đẽo.
Sau khi ông Manjhi hoàn tất việc tạo thành lối mòn xuyên núi, quãng đường 55km đường vòng đi từ Atri tới Wazirgani (nằm ở Gaya, bang Bihar) đã được giảm xuống chỉ còn 15km khi người ta đã có thể đi thẳng xuyên qua núi.
Ông Dashrath Manjhi ở thời điểm trước khi qua đời năm 2007, thọ 73 tuổi. Lễ tang của ông đã được chính quyền địa phương tổ chức trọng thể.
Quả thực, qua 2 câu chuyện trên, chúng ta mới càng thấm thía được câu nói "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Nếu đã có kế hoạch gì, hãy kiên trì theo đuổi nó đến cùng, chắc chắn, dù sớm hay muộn bạn cũng sẽ đạt được thành quả mà mình mong đợi.
No comments:
Post a Comment