Trong khoảng 2 năm trở lại đây, ai cũng nhận ra điện ảnh Việt đang cố sức bung tỏa trên nhiều khía cạnh. Lượng phim tăng, lượng người quan tâm tăng, đạo diễn tăng, rạp phim tăng, rất nhiều thứ tăng lên để thỏa nhu cầu của thị trường. Tạm gác chuyện chất lượng sang một bên, chỉ riêng chuyện tăng về lượng đã đủ để nói rằng phim Việt đang phát triển rồi, mặc kệ là "ăn xổi ở thì" hay hỗn mang.
Tuy nhiên, có một đối tượng khán giả quan trọng dường như đang bị "đá" dần ra khỏi tầm ngắm của các nhà sản xuất: trẻ em. Tháng 5/2017, công bố đưa ra cho biết Việt Nam có đến 26 triệu dân số là trẻ em, năm 2016 thì tăng đến 1 triệu người. Tức là hiện tại, trẻ em Việt Nam ngày một nhiều nhưng lại không được những nhà làm phim quan tâm.
Những sân khấu cổ tích bị bỏ hoang
Trước đây, nhắc đến phim ảnh dành cho trẻ em thì chắc chắn người ta nghĩ ngay đến cổ tích. Vào những năm chín mấy, hai nghìn, các loại hình cổ tích vô cùng đa dạng từ sân khấu đến băng video. Những chương trình lớn tổ chức định kì như Tuổi thần tiên hay Ngày xửa ngày xưa luôn thu hút rất đông khán giả. Ngày xửa ngày xưa gần như trở thành một chương trình dành riêng cho trẻ em có tuổi thọ lâu nhất, kéo dài đến hiện nay nhưng lượng sản phẩm ngày một thưa thớt và không còn được chú ý hay đầu tư như trước.
Ngày xửa ngày xưa - Vở Tấm Cám
Không hẳn là vì khán giả không thèm xem kịch nữa mà một phần bởi chất lượng không còn được đảm bảo. Những số Ngày xửa ngày xưa từ mười mấy trở về đầu luôn là một tổng thể không lẫn đi đâu được của nội dung (một câu chuyện cổ tích nào đó của Việt Nam hoặc thế giới), cộng với những câu thoại và tình huống hài hước cùng những bản nhạc ấn tượng. Đến tận bây giờ, người ta vẫn có thể nhớ và hát được những bài hát trong Công chúa Chích Chòe, Nàng tiên cá hay Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi trong khi những vở sau này lại không được mấy người biết đến.
Vở Công chúa Chích Chòe
Tuổi Thần Tiên từng là một chương trình tổng hợp từ ca nhạc, hài kịch đến thời trang thường niên dành cho trẻ em những năm 90
Cũng khó trách được khi guồng quay điện ảnh ngày càng mạnh mẽ, lượng phim tăng lên khiến cho những diễn viên kịch cũng đóng phim nhiều hơn, hoặc đóng những vở kịch cho khán giả lớn tuổi, lớp diễn viên mới lại không thể ấn tượng như "chú Thành Lộc", "chú Bạch Long" hay "cô Thanh Thủy" khiến trẻ em nhớ mãi. Thế là dần dà, thế giới kịch của trẻ em bị bỏ hoang.
Còn đâu những cuốn phim chỉ dành cho trẻ nhỏ
Song song với các chương trình sân khấu, khoảng mười năm trước, khi thị trường băng đĩa còn sôi động thì các cuộn phim được sản xuất riêng cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi vẫn bao la. Chỉ tính riêng cổ tích đã có dăm bảy loại như series Chuyện cổ tích của bé, Cổ tích Việt Nam,Chuyện ngày xưa, v.v... với đầy đủ những câu chuyện từ Đông sang Tây, từ nội địa đến ngoại quốc.
Gà đẻ trứng vàng - một câu chuyện trong chương trình Cổ tích của bé tập 1
Đó thực sự là những chương trình vừa bổ ích vừa được đầu tư nghiêm túc không chỉ để mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất mà còn là thú tiêu khiển dần thành thói quen của trẻ em suốt một thời gian dài. Vào thời điểm hưng thịnh, cứ mở một tập phim cổ tích nào đó lên sẽ thấy toàn những diễn viên nổi tiếng tham gia. Nam ca sĩ Đan Trường, một ngôi sao lớn của âm nhạc đương thời cũng từng tham gia 2 tập phim Cổ tích của bé là Vua hóa cò và Hoàng tử chăn lợn, chứng tỏ sức hút rất mạnh mẽ của loại hình này.
Đan Trường trong Vua hóa cò
Thế nhưng rồi theo thời gian, chỉ còn mỗi Cổ tích Việt Nam cố gắng duy trì đều đặn một số (gồm khoảng 3 truyện nhỏ) mỗi năm và giờ cũng chả còn nữa. Người ta cũng chả thiết tha nhớ được là Cổ tích Việt Nam đã biến mất tự lúc nào như một hiện thực đáng buồn chả thiết gọi tên.
Những người hiện nay đã lớn, 25-26 tuổi, không còn thuộc đối tượng khoanh vùng của trẻ em nhưng nếu ngày nhỏ không xem phim cổ tích, không xem Ngày xửa ngày xưa thì chắc chẳng biết được bao nhiêu là thứ hay ho, hoặc chí ít là những ký ức trong trẻo mà chỉ trẻ em mới cảm nhận được.
Thế còn ngày nay, trẻ em phải xem gì khi tất cả những loại hình kể trên gần như đã tuyệt chủng? Không còn cổ tích vì kho tàng đã cạn hay vì dòng chảy tiến hóa của công nghệ đã tạo ra nhiều chọn lựa hơn dù trong đó gần như chẳng có lấy một loại hình giải trí thuần Việt dành cho trẻ em?
Phim cổ tích Mụ yêu tinh và bầy trẻ - Cổ tích Việt Nam tập 2
Hãy thử nhìn một đứa trẻ ngày nay xem những gì trên Youtube, bạn sẽ thấy chúng chả bao giờ tìm một tập cổ tích để xem. Đơn giản vì đầu chúng gần như chẳng có khái niệm đó. Chúng xem nhiều thứ hơn, đa dạng hơn nhưng chỉ đơn thuần là giết thời gian chứ chẳng thể tạo thành một nếp văn hóa.
Phim ảnh dành cho trẻ em Việt thật sự khan hiếm
Ở Hollywood, kinh đô điện ảnh thế giới, mỗi năm họ vẫn cho ra đời rất nhiều phim hoạt hình với đối tượng phục vụ chính yếu là trẻ nhỏ. Ở Nhật Bản, văn hóa anime cũng là một loại hình giải trí quan trọng và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Ở Việt Nam, tất thảy những bộ phim hoạt hình ngoại nhập đều có thể dễ dàng trở thành một hiện tượng. Bất kì một cuối tuần nào đó ngoài rạp phim vẫn rất đông những cha mẹ đưa con nhỏ đi xem phim. Điều này chứng tỏ thị trường vẫn đang rất sôi sục và đầy tiềm năng. Thế nhưng tại sao vẫn không có những bộ phim dành cho trẻ em do chính Việt Nam sản xuất?
Phim hoạt hình Dưới bóng cây từng được đánh giá cao nhưng cũng chưa thể tạo ra một thể loại mới cho điện ảnh Việt
Nói về công nghệ hoạt họa, tất nhiên Việt Nam vẫn còn non nớt. Nhưng ta vẫn có thể thấy các xưởng sản xuất 3D, những nhóm làm phim quan tâm đến hoạt hình vẫn cố gắng hằng ngày để chứng tỏ tiềm năng với các nhà đầu tư, với khán giả. Tương lai chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một văn hóa phim hoạt hình Việt, tất nhiên là còn bị chi phối bởi nhiều thứ nhưng không phải là không thể.
Nhưng, ngoài phim hoạt hình, Việt Nam hiện tại vẫn có thể thực hiện những bộ phim dành riêng cho trẻ em cơ mà! Ngày xưa trẻ em bật tivi để xem Người mẹ nhí, bây giờ "người mẹ" ấy (Angela Phương Trinh) đã lớn rồi và thế là không còn người mẹ nào thay thế? Đừng vội cho rằng "những bộ phim như thế giờ ai mà xem", hãy thử một lần nói chuyện với con nít để hiểu rằng chúng thật sự cần xem những gì. Không phải mấy chiếc video chơi đồ hàng hay mấy chương trình của chị Thơ Nguyễn đâu, thứ chúng cần luôn là một câu chuyện được kể cho riêng chúng.
"Người phán xử" Hoàng Dũng cũng từng tham gia phim Cổ tích Việt Nam
Một đứa nhỏ sinh năm 2011 vẫn vô cùng thích thú khi xem một tập phim Cổ tích Việt Nam được sản xuất từ năm 1993, vấn đề là chúng có biết đến hay được cho xem không mà thôi. Đừng đổ thừa công nghệ hay kĩ thuật gì cả, thứ mà những người lớn như chúng ta cần duy trì và giữ cho đám trẻ là một loại hình văn hóa lành mạnh và gợi mở. Chúng ta được lựa phim để xem, có hàng đống thể loại để chọn, trong khi chúng chỉ có thể xem phim hoạt hình Hollywood, có bất công không!?
Hiện tại, gần như chỉ có duy nhất đạo diễn Lê Bảo Trung kiên quyết đeo đuổi dòng phim dành cho con nít. Khoan nói đến vấn đề chất lượng hay tầm nhìn điện ảnh gì cả, hãy nhìn vào kết quả thực tế mà những Bảo mẫu siêu quậy hay Anh em siêu quậy mang lại cho nhà phát hành. Những người lớn như chúng ta xem xong cảm thấy bộ phim thật tệ, nhưng chúng vẫn nghiễm nhiên chinh phục đám nhỏ bởi không có lựa chọn nào khác. Thiết nghĩ, nếu có nhiều người như Lê Bảo Trung hơn, chịu kể những thứ mà trẻ em thích nghe cho chúng xem thì sự cạnh tranh sẽ giúp cho chất lượng phim được nâng lên.
Phim "Anh em siêu quậy"
Rạp phim đang tăng lên mỗi ngày, nhu cầu đến rạp xem phim bây giờ không chỉ là của lớp trẻ nữa mà là của cả gia đình. Nếu có phim thiếu nhi, chắc chắn đó sẽ là lựa chọn của phụ huynh.
Tất nhiên, không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn làm việc với các diễn viên nhí. Nhưng nếu những người yêu trẻ em, từng làm việc tốt với trẻ em như Vũ Ngọc Đãng hay Phan Gia Nhật Linh duy trì được việc đó, nhà đầu tư chấp nhận cho họ thực hiện những bộ phim có nhiều diễn viên trẻ em hơn, phân loại độ tuổi ở mức P nhiều hơn thì việc xuất hiện nhiều bộ phim thiên về trẻ em sẽ ngày một nhiều hơn.
Phim Cô gái đến từ hôm qua
Hay như việc đầu tư vào tham vọng phim cổ tích của Ngô Thanh Vân cũng là một hướng đi rất đáng quý. Chọn những câu chuyện cổ tích của người Việt, đưa vào thêm những chi tiết tân thời để thu hút được nhiều đối tượng nhưng vẫn cân bằng được câu chuyện để trẻ em thưởng thức an toàn chính là thể hiện sự thông minh trong việc nhìn thấu thị trường và xây dựng nền văn hóa. Chúng ta cần nhiều hơn một Tấm Cám: Chuyện chưa kể.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể
Nếu như các chương trình truyền hình thực tế về trẻ em đang ngày một quá nhiều, chứng tỏ sự quan tâm và ra đời của các nhân tài nhí đang rất mạnh thì việc các nhà đầu tư, đạo diễn không khai thác đầu ra của chương trình liệu có lãng phí không?
Khoan hãy nói đến chuyện trẻ em cần một môi trường văn hóa trước khi hoạt động nghệ thuật. Nếu chúng thật sự đam mê nghệ thuật và có khả năng thì việc của người lớn chúng ta, hoặc những nhà định hướng, phát triển có tầm nhìn chính là tạo ra những môi trường văn hóa nghệ thuật để chúng thỏa được đam mê đó, và thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức giải trí của chính chúng nữa.
No comments:
Post a Comment