Tuesday, October 10, 2017

Argentina và Hà Lan không xứng đáng với những giọt nước mắt

Thế giới đang cầu nguyện cho Argentina và Hà Lan. World Cup 2018 sẽ là một kỳ World Cup không hoàn hảo nếu thiếu bóng dáng của Cơn lốc màu da cam và những vũ điệu Tango của Argentina. Sẽ là một World Cup thế nào nếu Lionel Messi ngồi nhà?

Ở góc độ tình cảm, dễ hiểu khi người hâm mộ chờ đợi Argentina góp mặt tại World Cup thay vì Peru và Hà Lan giành vé thay vì Thụy Điển. Tuy nhiên, hãy thử nhìn sự kiện được coi là sự mất mát này dưới một góc nhìn khác.

Nếu tấm vé dự World Cup được trao sau chỉ 1 trận đấu "thành vương bại khấu", NHM hoàn toàn có quyền khóc lóc cho một đội bóng mạnh nhưng thiếu may mắn, hoặc tính sai điểm rơi phong độ và rồi bị loại.

Argentina và Hà Lan không xứng đáng với những giọt nước mắt - Ảnh 1.

Nhưng cuộc đua giành vé dự World Cup kéo dài tới 2 năm, trải qua hàng chục trận đấu. Đây là một quá trình sàng lọc kỹ càng và công bằng tuyệt đối. Về cơ bản thì những đội bóng mạnh có thể sơ sểnh một vài trận đấu, nhưng phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi, sau cùng họ vẫn sẽ phải đứng lên đúng thời điểm để khẳng định sự xứng đáng của mình.

Lấy Brazil làm ví dụ. Selecao khởi đầu chiến dịch vòng loại World Cup bằng cả 4 trận liên tiếp không thắng. Nhận thức rõ sự bất ổn, họ thay đổi HLV (Dunga xuống, Tite lên thay), thay đổi lối chơi, quyết tâm, chắt chiu trong từng trận đấu và rốt cuộc họ trở thành đại diện Nam Mỹ đầu tiên có vé dự World Cup.

Trong một hành trình dài hơi, chỉ dựa dẫm vào may mắn hoặc chỉ những trận đấu đột ngột xuất thần không thôi tuyệt đối là không đủ để một đội tuyển có thể giành vé. Tấm vé dự World Cup đòi hỏi sự tỉnh táo, chiến lược hợp lý trong một thời gian dài và dĩ nhiên là một tập thể đủ đẳng cấp.

Argentina và Hà Lan không xứng đáng với những giọt nước mắt - Ảnh 2.

Như vậy, nếu xét trên tất cả các yếu tố vừa liệt kê thì nếu Argentina hay Hà Lan có vắng mặt tại World Cup năm sau, thì đó cũng là hậu quả của cả một quá trình sa sút, u mê, sai lầm, chứ không vì yếu tố khách quan nào khiến NHM phải nuối tiếc cả. Và liệu 2 cái tên hùng mạnh của quá khứ này có xứng đáng với những giọt nước mắt hay không, khi tất cả những gì họ làm là ăn mày dĩ vãng.

Để vô địch World Cup 2014, ĐT Đức có hẳn một chiến dịch phát triển, xây dựng đội hình, lối chơi trong 10 năm ròng rã. Họ bồi đắp cho từng cá nhân, xây dựng chiến lược phát triển từ bóng đá trẻ cho tới cấp độ đội tuyển quốc gia. Đức là điển hình của một nền bóng đá không sản sinh ra những cầu thủ có thể tạo nên phép màu như Messi, nhưng họ lại tự tạo ra phép màu của riêng mình bằng sức mạnh tập thể.

Trong khi đó, Argentina là điển hình của một nền bóng đá luôn dựa dẫm vào một cầu thủ có thể tự tay quyết định cuộc chơi. Năm xưa, phép màu của Diego Maradona đã đưa Vũ đoàn Tango lên ngai vàng World Cup. Maradona giải nghệ lập tức có Messi thay thế và phép màu của anh còn diệu kỳ hơn.

Argentina và Hà Lan không xứng đáng với những giọt nước mắt - Ảnh 3.

Một yếu tố nữa khiến tập thể Argentina sa sút là sự xuất hiện của quá nhiều cầu thủ giỏi. Các siêu sao Argentina gia nhập đội bóng nào cũng trở thành ông chủ của CLB đó. Đến khi các siêu sao đó hợp lại thành một đội, tình trạng thừa thầy thiếu thợ là rất rõ ràng.

Trong khi đó, Hà Lan đang trở thành hình mẫu của một nền bóng đá dường như đã ngừng phát triển. Trong quá khứ, bóng đá Hà Lan mạnh từ cấp độ đội tuyển đến CLB. Nhưng thời gian trôi qua, sự thiếu đầu tư, thiếu tầm nhìn đã khiến các ông lớn Hà Lan như Ajax đi xuống thảm hại, giải VĐQG của người Hà Lan cũng kém hấp dẫn, khiến chất lượng chung của nền bóng đá đi xuống.

Ở góc độ tình cảm, sự vắng mặt của Argentina và Hà Lan (nếu xảy ra) là đáng tiếc. Nhưng biết đâu trong họa có phúc. Thảm họa World Cup 2018 sẽ là hồi chuông thức tỉnh những cái đầu u mê, giúp 2 nền bóng đá vốn rất mạnh này nghiêm túc phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment