Wednesday, October 18, 2017

Chuyện chưa kể về những nữ chuyên gia mật mã lỗi lạc trong lịch sử thế giới

Năm 1917, Hoa Kỳ chuẩn bị nhảy vào cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất. Thế nhưng, quân đội Hoa Kỳ lúc bấy giờ thưa thớt, khả năng thu thập thông tin lại rất hạn chế, phần vì chưa thành lập những cơ quan như NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia) hay CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương).

Chuyện chưa kể về những nữ chuyên gia mật mã lỗi lạc trong lịch sử thế giới - Ảnh 1.

Elizebeth Friedman và chồng William.

Hai nhân vật gánh vác trọng trách nặng nề nhất của nhiệm vụ phi thường này là bà Elizebeth Smith và ông William Friedman, sau này họ trở thành vợ chồng.Trong tình hình đó, nhiệm vụ phá mật mã trong quân đội được thực hiện ở quy mô nhỏ nhưng cực kỳ cam go tại dinh thự của triệu phú lập dị George Fabyan, vùng nông thôn Illinois.

Thú vị là, cả hai đều không được đào tạo chính thức về phân tích mật mã. Thời đại học, Elizebeth nghiên cứu thơ ca, văn chương còn Friedman được trao bằng Tiến sĩ Di truyền.

Thế nhưng, bằng sự kết hợp khả năng nhận thức ký hiệu từ văn chương và phân tích di truyền, họ đã phá thành công những mật mã khó nhằn nhất.

Chủ sở hữu của tòa dinh thự nơi Elizebeth và William làm việc là George Fabyan. Nghi ngờ những vở kịch ghi tên William Shakespeare là sản phẩm trí tuệ của người bạn cùng thời - nhà khoa học và chính khách Francis Bacon - Fabyan tuyển một nhóm nhân viên, gồm Elizebeth, nghiên cứu thông điệp bí ẩn trong một tác phẩm của Shakespeare để minh chứng cho niềm tin cá nhân.

Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Tòa dinh thự rộng lớn ở Riverbank còn là địa điểm làm việc của những nhà khoa học tài ba có nhiệm vụ phát minh đạn dược mới cho quân đội, hoặc phát triển các giống lúa mỳ chịu hạn.

Nhận xét về vị triệu phú này, Jason Fagone, tác giả cuốn sách Người phụ nữ giải mật mã viết về Elizebeth Friedman, cho biết:

Nói một cách lịch sự, ông ta là kẻ điên rồ. Fabyan mặc quần cưỡi ngựa mọi lúc mọi nơi dù chẳng ai thấy ông ta cưỡi ngựa bao giờ. Ông ta tự gọi mình là đại tá dù chưa từng phục vụ trong quân đội”.

Dù sao đi nữa, tính cách kỳ dị của Fabyan cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội giải mật mã của Mỹ hoạt động vào thời điểm khủng hoảng quốc tế ấy.

Chính tại nơi này, tài năng của Elizebeth bắt đầu tỏa sáng. Cô sinh viên ngành văn học trở thành một trong những chuyên gia giải mật mã vĩ đại nhất trong lịch sử, bên cạnh người chồng William lừng lẫy - cha đẻ của ngành phân tích mật mã (ngành học nghiên cứu các phương thức để thu được ý nghĩa của thông tin đã được mã hóa).

Điều kỳ lạ là, dù những thành tựu của William được ghi lại rất rõ ràng và cẩn thận, tài năng của Elizebeth gần như bị gạt ra ngoài lề trong suốt hàng chục năm ròng.

Chuyện chưa kể về những nữ chuyên gia mật mã lỗi lạc trong lịch sử thế giới - Ảnh 2.

Elizebeth Friedmam đã giúp Hoa Kỳ giải mã nhiều thông điệp bí ẩn của đối thủ.

Dù lý do là gì đi nữa, không ai có thể phủ nhận Elizebeth sở hữu trí tuệ sắc bén, kỹ năng giải quyết, tính toán khéo léo, chính xác, biến những ký tự lộn xộn, vô nghĩa trở thành thông tin quan trọng.

Bà đã mày mò, tham khảo các phép thống kê tần số của chữ cái và từ ngữ trong nhiều ngôn ngữ khác nhau để phát hiện ra chữ cái mang trong mình bí mật.

Ví dụ, trong dòng mật mã “UIF GPY KVNQFE PWFS UIF GFODF”, Elizebeth đoán “F” được dùng thay cho “E” vì nó xuất hiện nhiều lần và “E” là chữ cái được sử dụng nhiều nhất trong Tiếng Anh. “UIF” là một từ có 3 chữ cái kết thúc bằng “E”, từ đó suy ra “THE”.

Đây là một thuật toán khá đơn giản vì các chữ cái trong bảng chữ cái lần lượt đổi chỗ từ trái sang phải: “THE FOX JUMPED OVER THE FENCE” – “Con cáo nhảy qua hàng rào”.

Elizebeth rõ ràng có thể giải được những mật mã hiểm hóc hơn thế này rất nhiều. Dù chữ cái có bị đảo lộn theo nhiều quy luật khác nhau, bà cũng không bao giờ đầu hàng.

Sau khi Chiến tranh Thế giới I kết thúc, Elizebeth vẫn tiếp tục làm sáng tỏ những thông điệp bí ẩn. Bà lập nhiều công lớn khi giải thành công mật mã giúp tống tội phạm nguy hiểm vào tù. Có thể nói, người phụ nữ này là vũ khí bí mật tối quan trọng của chính phủ Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Nhờ có những tài liệu mới được chính thức công bố gần đây, chúng ta mới biết trong Chiến tranh Thế giới II, Elizebeth đã đánh sập một mạng lưới do thám của Đức Quốc xã đang xúi giục cách mạng phát xít tại Nam Mỹ, nhằm tấn công Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, suốt nhiều thập kỷ, FBI chưa từng công khai hay khẳng định chủ nhân của chiến tích này. Còn Elizebeth, đã thề giữ bí mật và không màng danh tiếng, giữ im lặng bấy lâu.

Chuyện chưa kể về những nữ chuyên gia mật mã lỗi lạc trong lịch sử thế giới - Ảnh 3.

Một trong nhiều văn phòng của những người phụ nữ giải mật mã.

Khi Elizebeth mới dấn thân vào ngành giải mã, bà là một trong vài người phụ nữ hiếm hoi làm công việc này. Thế nhưng, đến Chiến tranh Thế giới II, tình hình đã khác đi rất nhiều.


Liza Mundy, tác giả của cuốn sách Những cô gái mật mã: Chuyện chưa kể về những nữ chuyên gia phá mã của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới II, tiết lộ cả Hải quân và Quân đội Hoa Kỳ đã tuyển dụng hàng ngàn phụ nữ làm việc trong quy trình giải mật mã.

Nhiều nữ sinh ngành toán học, khoa học hoặc ngôn ngữ và các cô giáo nhận được mật thư mời phỏng vấn tại trường Wellesley College. Người gửi là một giáo sư thiên văn học”.

Mỗi ứng viên được chọn sẽ tham gia vào một khâu của quy trình giải mật mã, đơn giản là sắp xếp các mảnh giấy hoặc xử lý thông tin đã được mã hóa nhưng còn lộn xộn.

Tuy nhiên, Mundy và Fagone khẳng định, lịch sử đã chứng kiến những người phụ nữ phi thường có vị trí cao và quan trọng trong công việc này.

Genevieve Grotjan là một trường hợp như thế. Tháng 9/1940, khi cả nhóm do William Friedman hướng dẫn đang nỗ lực giải mật mã "Tím" của Nhật Bản, bà đã khám phá ra một ký tự quan trọng, trực tiếp dẫn đến thành công của cả đội. Thầy giám sát Frank Rowlett còn hét lên hưởng ứng: “Nó đây rồi! Nó đây rồi! Gene đã tìm thấy thứ chúng ta đang tìm kiếm!"

Chuyện chưa kể về những nữ chuyên gia mật mã lỗi lạc trong lịch sử thế giới - Ảnh 4.

Ann Caracristi là nữ phó giám đốc đầu tiên của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

Một nhân vật tiêu biểu khác là Ann Caracristi, sau này trở thành nữ phó giám đốc đầu tiên của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Bà cùng đồng nghiệp Wilma Berryman liên tục làm sáng tỏ các mã địa chỉ của quân đội Nhật Bản, cung cấp thông tin cho Lầu Năm Góc mỗi ngày.

Tại nước Anh nổi tiếng với nghệ thuật giải mật mã, phụ nữ cũng giữ vai trò quan trọng.

Kể từ khi bức tường im lặng xung quanh Bletchley Park - một trong những địa điểm tối mật của các chuyên gia giải mã, nơi ra đời những đột phá của nhà khoa học máy tính Alan Turing - được dỡ bỏ, tên tuổi của những nữ chuyên gia giải mã như Joan Clarke, Mavis Batey và Margaret Rock nhanh chóng trở thành đề tài của phim ảnh và sách báo.

Một trong những nhân vật điển hình đang bước ra khỏi bóng tối là Winifred "Wendy" White.

Chuyện chưa kể về những nữ chuyên gia mật mã lỗi lạc trong lịch sử thế giới - Ảnh 5.

Cuộc đời của Winifred White vẫn còn là bí ẩn.

Theo một số tài liệu còn sót lại, White bắt đầu công việc giải mã vào năm 1916, cùng thời với Elizebeth Friedman. Mặc dù có rất ít thông tin về vai trò cụ thể của bà, White làm việc trong Văn phòng Chiến tranh và giúp phá vỡ một mật mã của hải quân Italy mang tên "Rosie".


Trong một tài liệu được tìm thấy ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, William Francis "Nobby" Clarke, một sĩ quan tình báo tại Bletchley Park, tiết lộ White là “một người phụ nữ khó tính”, không được đồng nghiệp yêu mến. Tại thời điểm sĩ quan Clarke viết lưu bút, bà đã có 14 năm kinh nghiệm và trình độ hiểu biết siêu đẳng về giải mật mã Italy, Pháp và Mỹ.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu và cây bút đáng tin cậy vẫn tiếp tục khám phá danh tính của các nữ chuyên gia mật mã lỗi lạc cũng như nhiều nhân vật khác xứng đáng được lưu danh.

Sự thật lịch sử không chỉ giúp chấm dứt những tranh cãi vô lý về vị trí, khả năng của phụ nữ so với đàn ông trong một số lĩnh vực nhất định như toán học hay lập trình máy tính, mà còn là nguồn cảm hứng vô cùng tận để phụ nữ hiện đại nắm bắt cơ hội phát triển.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment