Sáng 18/10, Hội dinh dưỡng Việt Nam phối hợp với báo điện tử Trí Thức Trẻ, Soha.vn tổ chức cuộc hội thảo mang tên "Phòng chống béo phì, thừa cân ở Việt Nam và cảnh báo của chuyên gia".
Phát biểu tại buổi hội thảo, TS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam) cho biết, ở 8 thành phố lớn ở Việt Nam: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Trongkhi đó GS. TS Lê Thị Hợp (Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam) thì cho hay: "Béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TPHCM đã gia tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TPHCM tăng gấp đôi, từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009)".
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em béo phì ngày một gia tăng, Ths. BS Nguyễn Thị Lan Phương (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, theo nghiên cứu trên học sinh một số trường THCS ở TP.HCM, đa số khẩu phần năng lượng và một số vi chất của trẻ em học đường nói chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị 2016 của Viện Dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, việc trẻ em dùng nhiều các loại nước ngọt có ga cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới béo phì.
Các chuyên gia thảo luận các câu hỏi về dinh dưỡng.
"Dùng quá nhiều nước ngọt có ga được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì bởi trong nước ngọt chứa nhiều đường đơn nếu tiêu thụ nhiều hơn mức 5% tổng năng lượng trong ngày như mức của WHO khuyến cáo thì có thể gây rối loạn chuyển hoá, rối loạn chất béo dẫn đến bệnh béo phì, nhất là ở trẻ em.
Không nên khuyến khích trẻ uống nước ngọt có ga đều đặn và thường xuyên, tuy nhiên nếu dừng lại ở mức 1 – 2 lon/ tuần thì có thể chấp nhận được", TS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết.
TS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi TW chia sẻ để hạn chế tình trạng béo phì cho trẻ em một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi cho trẻ em.
Đó là tăng hoạt động thể lực: Thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.
Thay đổi hành vi: Khuyến khích việc tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu. Ngủ: 0-5 tuổi (ngủ đủ 11 giờ/ngày); 5-10 tuổi (10 giờ /ngày); trên 10 tuổi (ngủ đủ 9 giờ /ngày).
No comments:
Post a Comment