Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta mỗi khi xem những video "tra tấn" các smartphone như: kiểm tra thả rơi, cào xước, nhúng nước,… thì đều có chung một suy nghĩ: "Tại sao lại cứ phải hành hạ những thiết bị vốn đã rất tốt như thế?". Không những vậy, nhiều người còn thấy rất đau lòng và xót xa cho những chiếc Samsung Galaxy Note 8, Apple iPhone 8 Plus vốn mới toanh, bóng bẩy nhưng chỉ sau vài phút đồng hồ đã chi chít những vết xước hay thậm chí là vỡ tan tành.
Vậy nếu chúng ta đem những thiết bị này đi sữa chữa, phục hồi công năng cho chúng thì sao? Và tiện đây cũng làm một phép so sánh luôn giữa sản phẩm của hai đội Sung – Táo: cái nào dễ sửa hơn, quá trình khắc phục hư hại diễn ra như thế nào, chiếc smartphone nào tốn nhiều tiền để sửa hơn, và những gì cần lưu ý khi sửa điện thoại flagship,….
Sergey Cuzmin - chủ nhân trang Wylsa.com đã quyết định bắt đầu với việc đem "những gì còn lại" của smartphone Samsung Galaxy Note 8 sau bài thử nghiệm thả rơi đi sửa chữa. Thiết nghĩ, số tiền phải bỏ ra có lẽ không kém gì mua một chiếc điện thoại mới, thế nhưng sự thật thì mọi chuyện đơn giản và thoải mái hơn rất nhiều. Chúng tôi xin gửi tới độc giả bài ký sự của anh như sau:
Sửa điện thoại ở đâu?
Tôi vào trang web samsung.ymservice.ru để xem danh sách các trung tâm bảo hành và sửa chữa dịch vụ của Samsung và thấy có một địa chỉ khá gần nơi mình làm việc: số 24 phố Tverskaya. Điều thú vị hơn cả là thái độ nhã nhặn của các nhân viên và họ còn hứa cho phép tôi chụp ảnh lại quá trình sửa chữa. Cảm nhận đầu tiên là dịch vụ rất thân thiện, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiệt tình. Nếu bạn không có nhiều thời gian thì có thể yêu cầu dịch vụ sửa chữa tức thời và được đưa vào một phòng chờ đặc biệt. Tôi không đợi mà ngay lập tức đi đến khu vực của kỹ thuật viên.
Thật không may là khi tôi lấy chiếc Note 8 bị vỡ ra khỏi túi thì bị một mảnh kính cứa đứt ngón tay út. Các bạn hãy cẩn thận với những chiếc điện thoại thông minh bị hỏng nhé! Chúng thực sự tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Tuy thế thì xem sửa chữa smartphone, nhất là những chiếc có nắp lưng bằng kính, thì lại càng thú vị hơn gấp bội.
Tháo gỡ
Để tháo được mặt sau của chiếc Samsung Galaxy Note 8 kỹ thuật viên phải dùng tới một chiếc máy gia nhiệt đặc biệt để làm nóng chảy keo dán bên trong.
Sau đó là cẩn thận dùng miếng nạy để nạy vòng quanh các cạnh và tháo nắp lưng. Tất cả các thao tác đều được thực hiện với thùng rác ở bên dưới, nếu không kính vỡ sẽ bắn ra khắp nơi.
Khi đã tháo được nắp lưng, kỹ thuật viên phải tháo gần hai chục con vít, loại bỏ các tấm bảo vệ, tháo bo mạch, cổng USB-C, cổng 3,5 mm, camera trước và pin. Quá trình này không đòi hỏi bất kỳ công cụ đặc biệt nào cả. Hóa ra việc tháo gỡ Note 8 rất dễ: chỉ cần sử dụng một tuốc nơ vít cỡ nhỏ thông thường, một miếng nạy và nhíp.
Và đây là "trái tim" của Note 8.
Cảm biến dấu vân tay được gắn vào bo mạch bằng cáp và được gỡ bỏ trong quá trình sửa chữa. Tất cả các dấu vân tay đều được lưu trong bộ nhớ nên bạn không cần lo lắng về vấn đề bảo mật. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy kỹ thuật viên thao tác, chắc chắn là những nhà thiết kế của Samsung đã tính toán tất cả để quá trình sửa chữa được đơn giản nhất.
Chiếc Note 8 gồm các module có thể thay thế nên được tháo rời và lắp lại trong vòng chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ. Các bạn có thể dễ dàng thay pin nếu muốn, và nếu nắp sau không bị vỡ thì sẽ càng dễ dàng hơn cho kỹ thuật viên – chỉ cần dùng giác hút để tháo mặt lưng. Rất nhiều linh kiện có thể được mua riêng, trong số đó có pin, khay thẻ nhớ hay thậm chí cả bút.
Đây là hộp đựng linh kiện thay thế chính hãng - bên trong là mặt sau của chiếc Note 8. Màn hình thay thế cũng được đựng trong chiếc hộp như thế này.
Băn khoăn
Theo lẽ đương nhiên, trong quá trình sửa chữa điện thoại chúng ta sẽ có rất nhiều điều thắc mắc và băn khoăn. Thiết bị của tôi không phải là hàng bán chính hãng tại Nga mà là hàng xách tay. Chiếc Note 8 có ba phiên bản dành cho thị trường Mỹ, Châu Á, Châu Âu – tương ứng là 3 phiên bản nắp lưng với những vị trí gắn keo khác nhau. Do đó câu hỏi lớn nảy sinh trong đầu tôi là liệu chiếc nắp lưng sản xuất cho thị trường Châu Âu có ăn khớp với chiếc máy bán ở thị trường Mỹ hay không. Sự khác biệt này còn liên quan cả đến vị trí của ăng-ten nữa. Và mặc dù kỹ thuật viên cam đoan với tôi rằng sẽ "ok không vấn đề" nhưng tôi vẫn chưa yên tâm.
Lần này ngoài việc sửa chữa thì tôi còn muốn thay đổi màu sắc của thiết bị nữa. Lúc tôi mua là Note 8 màu đen, và giờ thì muốn có phiên bản màu xanh - trông sáng sủa và bắt mắt hơn nhiều. Với yêu cầu này thì tôi nhận được một phiếu chính hãng ghi model, IMEI và số series của chiếc điện thoại thông minh. Và đây cũng là lý do vì sao tôi khuyên các bạn nên đến với dịch vụ sửa chữa được ủy quyền chính hãng – mặc dù giá cả có đắt hơn sửa ngoài nhưng về chất lượng, xuất xứ của linh kiện thay thế thì không cần phải lăn tăn.
Trên các linh kiện thay thế không có số nhưng nó lại rất cần thiết khi bạn đem máy tới trung tâm ở những lần sửa chữa sau này. Và giờ lại xuất hiện những vấn đề mới: khay thẻ nhớ và bút stylus bị khác màu, vì thế tôi đã đặt mua những phụ kiện này với màu phù hợp – phải chờ mất một vài tuần, khi nào có hàng tôi sẽ tới lấy sau. Các bạn hãy yên tâm vì đây là là một dịch vụ thông thường vẫn có ở các trung tâm bảo hành và sửa chữa. Và đừng quên rằng, nếu bất cứ khi nào các bạn cảm thấy muốn thay đổi màu sắc cho chiếc điện thoại thì điều này hoàn toàn có thể. Giá cả sẽ được đề cập ở phần dưới bài.
Lắp lại
Kỹ thuật viên lắp tất cả các bộ phận vào máy theo thứ tự ngược lại: cái nào lấy ra trước thì lắp vào sau, lấy ra sau thì lắp vào trước, cuối cùng là đóng nắp lưng. Sau đó chiếc điện thoại thông minh của tôi được đưa tới một máy ép đặc biệt và đặt vào trong khuôn dành riêng cho dòng máy Note 8. Mất khoảng 2 phút để máy chạy xong xuôi.
Sau khi lắp ráp bắt buộc phải tiến hành các bài kiểm tra chức năng của điện thoại thông minh. Điều khiến tôi thấy ngạc nhiên nhất là bài test độ kín (và tất nhiên để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn IP67). Đầu tiên, micro và camera của chiếc smartphone được dán kín lại bằng băng dính, khay SIM được mở ra một nửa. Người ta đặt một quả nặng vào vòng tròn màu trắng ở trên màn hình và bắt đầu đóng khay SIM lại đến khi chặt. Độ kín của sản phẩm là kết quả đo đạc và so sánh giá trị áp suất trước và sau khi đặt quả nặng.
Sau đó kỹ thuật viên sử dụng máy lập trình để chạy hàng loạt các phép thử, kiểm tra hoạt động của màn hình cảm ứng, bút và các phần tử khác. Chiếc Note 8 của tôi đã đáp ứng được tất cả mọi tiêu chí nên tôi chỉ việc đem nó tới quầy thanh toán. Lúc này mới thật là thú vị đây – liệu niềm hân hoan khôi phục lại được chiếc smartphone sẽ ngốn mất của tôi bao nhiêu tiền đây?
Giá thành
Trước khi đem đi sửa...
Xin phép được nhắc lại tình hình trước khi đem máy đi sửa: smartphone vẫn hoạt động nhưng bị vỡ màn hình, nắp lưng nên không sử dụng được, và giá của một chiếc Samsung Galaxy Note 8 mới toanh hàng chính hãng là khoảng 69990 rúp (27,6 triệu VND).
...và sau khi phục sinh.
Tôi được thông báo rằng phí sửa chữa là 21.670 rúp (8,6 triệu VND), 2.500 rúp cho bút stylus (983K VND), 1.300 rúp cho khay thẻ SIM (512K VND) để đồng màu với màu mới của thân máy. Vì máy đã bị va đập mạnh khi rơi khiến cho pin cũng có thể đã bị ảnh hưởng nên tôi quyết định thay nốt cả pin luôn với giá 5.000 rúp (1,97 triệu VND).
Vậy là khi bỏ ra 26670 rúp (10,5 triệu VND) bạn sẽ có được một thiết bị "như mới". Pin, theo như tôi hiểu, có thể không cần thay.
Thật không ngoa khi nói: chiếc điện thoại thông minh này "sinh ra là để sửa được", và phá hủy Samsung Galaxy Note 8 không hề dễ dàng. Nó có thể được phục hồi gần như từ bất kỳ tình trạng nào. Tất cả những điều này khiến tôi thực sự thích thú, và trên thực tế thì phần lớn mọi người tới đây chỉ để thay một vài module nhỏ - hoặc là camera, hoặc là nắp lưng thôi. Nếu chiếc điện thoại mới mua của các bạn gặp vấn đề thì đừng ngại đem nó đi sửa ở trung tâm dịch vụ chính hãng - không quá tốn kém mà chất lượng lại rất đảm bảo!
No comments:
Post a Comment