Điện ảnh Việt đã từng có những nhân vật nữ rất thành công. Chẳng hạn như chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên do nữ diễn viên Trà Giang thể hiện. Thế nhưng trong nền điện ảnh hiện đại, vẫn còn thiếu những nhân vật nữ để lại dấu ấn trong lòng khán giả, đặc biệt là những nhân vật trong lịch sử Việt Nam.
Nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20-10 sắp đến, hãy cùng chúng tôi đi tìm những nữ chính trong dòng chảy sử Việt.
1. Nguyên phi Ý Lan: người phụ nữ hoàn hảo
Có thể nói nhân vật Ý Lan sẽ là chất liệu tuyệt vời để tạo ra một tác phẩm điện ảnh. Bởi cuộc đời của bà đã bao gồm rất nhiều sự kiện đặc sắc và đa chiều.
Hình ảnh đền thờ bà Ỷ Lan ở xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội
Về tên thật của bà thì có nhiều kiến giải khác nhau. Theo truyện thơ nói về Ỷ Lan có tên là "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" của Trương Thị Trong thời chúa Trịnh, thì bà có tên là Lê Khiết Nương. Cũng có nguồn cho rằng bà tên là Lê Yến.
Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là: khi vua đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), qua hương Thổ lỗi, ngài vén rèm nhìn ra, thấy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo. Sau đó thì đưa người con gái ấy vào cung. Lê thị vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Tên hiệu Ỷ Lan nghĩa là tựa vào gốc lan, Thánh Tông ban phong hiệu này để lấy làm kỷ niệm của việc gặp gỡ giữa hai người.
Và từ đây, cuộc đời của Ỷ Lan phu nhân chuyển sang trang mới, với đầy đủ mọi biến cố để làm nên một bộ phim sử thi hoành tráng.
Từng có không ít sách viết về Nguyên phi Ỷ Lan (ảnh: internet)
Quả vậy, sau khi vào cung, Ỷ Lan phu nhân sinh ra Hoàng tử Lý Càn Đức . Ngày hôm sau, vua lập làm Hoàng thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, và phong mẹ là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi. Năm Mậu Thân, năm 1068, bà lại sinh ra Minh Nhân vương.
Được vua tin yêu, Ỷ Lan phu nhân được giao quyền nhiếp chính (quản lý triều đình) khi vua chinh phạt Chiêm Thành. Và đây là lúc Ỷ Lan phu nhân tỏa sáng: Khi vua Lý Thánh Tông đánh mãi không được, lui binh về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên), thì nghe tin Nguyên phi làm rất tốt việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng. Vua Thánh Tông mới cảm khái nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!".
Và với hậu phương vững vàng, vua Lý Thánh Tông đã chinh phạt thành công Chiêm Thành bắt được vua nước ấy là Chế Củ và 5 vạn người.
Nếu Trung Quốc có nhân vật Võ Tắc Thiên là biểu tượng cho mẫu phụ nữ tài sắc vẹn toàn, và tính cách quyết liệt thì ở Việt Nam chúng ta, đó chính là bà Nguyên phi Ý Lan.
Tuy nhiên, cuộc đời của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn này cũng có những góc khuất. Trong đó là cái chết của Thượng Dương Thái hậu và 72 vị cung nữ sau khi vua Lý Thánh Tông băng hà.
Năm 1072, sau khi vua Thánh Tông băng hà, Ỷ Lan Nguyên phi được tôn làm Hoàng Thái phi. Tuy không có quyền xen vào việc triều chính nhưng với lợi thế là mẹ đẻ của Hoàng đế, cùng sự liên kết với Thái úy Lý Thường Kiệt . Bà đã khiến vua Nhân Tông ra chiếu chỉ phế truất Thượng Dương thái hậu. Sau đó, Ỷ Lan đã ra lệnh giam Dương Thái hậu cùng 72 cung nhân khác vào lãnh cung. Đến khi phát tang chôn cất Thánh Tông hoàng đế, Thái hậu cùng các cung nhân bị buộc phải chôn theo.
Cuộc đời của bà được tiếp nối bằng những sự kiện trắng - đen đan xen như thế. Bà nhiếp chính lần 2 khi cùng Lý Thường Kiệt chống giặc Tống, nhưng cũng đồng thời có nghi án trong vụ án Lê Văn Thịnh (nguyên nhân do bất đồng tư tưởng Phật - Đạo).
Tuy nhiên, nhìn chung thì bà Ỷ Lan là một nhân vật nữ có thể đại diện xuất sắc cho hình tượng phụ nữ Việt Nam: trí tuệ, xinh đẹp và biết cách đối nhân xử thế. Một series phim truyền hình theo phong cách li kì - lãng mạn - hoành tráng sẽ là sự tôn vinh xứng đáng dành cho người phụ nữ hoàn hảo này.
2. Trưng Trắc: Nữ chiến thần xứ Việt
Hình tượng điện ảnh gần gũi với bà Trưng Trắc có lẽ là nàng Diana Prince - Wonder Woman do Gal Gadot thủ vai, ra mắt vào tháng 6/2017 vừa rồi.
Diana Prince và các nữ chiến binh trong phim Wonder Woman
Thực vậy, cả hai người phụ nữ này đều mạnh mẽ, xinh đẹp và có lý tưởng riêng. Nếu Diana muốn bảo vệ hòa bình cho trái đất, thì bà Trưng Trắc là người có giấc mơ giành lại độc lập cho xứ Việt. Và cả hai người đều rất may mắn khi người đàn ông họ yêu sẵn sàng hi sinh tất cả để cùng họ thực hiện lý tưởng.
Việc đưa bà Trưng Trắc lên phim sẽ đặc biệt thuận lợi. Bởi vì trước điện ảnh, thì cải lương đã rất thành công với vở Tiếng trống Mê Linh. Vở cải lương kể về cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng từ lúc chuẩn bị đến giai đoạn hai bà công phá thành Luy Lâu.
Trong vở cải lương này, hình tượng bà Trưng Trắc với trí tuệ, đức hi sinh và ý chí được xây dựng rất thành công. Chi tiết bà đeo khăn tang, tế sống chồng mình là Thi Sách rồi hạ lệnh công thành để trả nợ nước báo thù nhà đã khiến cho biết bao thế hệ phải rưng rưng nước mắt trong khi trái tim dồn dập theo nhịp trống oai hùng.
Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh huyền thoại với các nghệ sĩ: Thanh Nga, Hùng Minh, Thanh Sang, Bảo Quốc…
Có thể thấy, với công nghệ và khả năng đầu tư của các hãng phim Việt hiện đại, các yếu tố về dựng cảnh, trang phục, quay phim đều có thể đảm bảo chất lượng cao.. Tuy nhiên, kịch bản vẫn luôn là yếu tố sống còn của một bộ phim. Liệu các nhà làm phim có thể khai thác một hình tượng uy vũ, thủy chung của bà Trưng Trắc trên chất liệu điện ảnh hay không? Hay vẫn phải dùng lại một số tình tiết của vở cải lương huyền thoại năm nào? Câu trả lời đó, xin được dành cho những đạo diễn có tâm với sử Việt.
3. Huyền Trân Công chúa: cánh hoa trên sóng nước
Nếu hai nhân vật Ỷ Lan và bà Trưng Trắc là hai nhân vật tham gia giữ nước. Thì Huyền Trân công chúa là một nhân vật gắn liền với lịch sử mở nước của Việt Nam ta.
Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Thái thượng hoàng có hứa gả con gái cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là Vương hậu Tapasi, người Java (Indonesia ngày nay).
Bìa truyện Huyền Trân Công chúa (ảnh: internet)
Sau đó nhiều lần, Chế Mân cử sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng nhiều quan lại nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành. Năm Bính Ngọ, Hưng Long năm thứ 14 (1306), tháng 6, Chúa Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm hồi môn, vua Trần Anh Tông khi đó mới đồng ý gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân.
Công chúa khi về Chiêm Thành, được phong làm Vương hậu thứ 2 với phong hiệu là Paramecvari . Năm Đinh Mùi (1307), vào tháng 5, quốc vương Chế Mân chết. Theo Đại Việt sử ký chép lại, Trần Anh Tông khi đó nghe rằng theo tục nước Chiêm, Quốc vương chết thì Vương hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Trần Anh Tông liền cử Hành khiển Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu công chúa. Trần Khắc Chung thành công, cứu được công chúa và đưa xuống thuyền, đưa công chúa về Đại Việt bằng đường biển.
Tượng thờ Huyền Trân công chúa
Có thể thấy, hành trình của Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân công chúa khỏi kinh đô Chiêm Thành là một chất liệu tuyệt vời để làm nên một bộ phim hay. Bên cạnh đó, một bộ phim kể về quá trình mở rộng lãnh thổ của người Việt đến nay vẫn còn rất hiếm. Thế nên nếu khai thác khéo léo, bộ phim hoàn toàn có thể thu hút người xem vì tính độc đáo của nó.
Kết
Những bộ phim về lịch sử luôn có sức hút riêng. Đặc biệt hơn, những bộ phim lịch sử khai thác những nhân vật chưa từng được khai thác sẽ có ưu thế tiên phong. Hi vọng rằng các nhà làm phim Việt Nam sẽ tăng cường khai thác những hình tượng nữ anh hùng của sử Việt trong tương lai.
No comments:
Post a Comment