Không sai khi nói rằng, sầu riêng là "vua trái cây" nghìn người yêu, vạn người ghét. Âu cũng bởi loại trái cây này sở hữu mùi hương cực mạnh, được cho là "nặng mùi" nhất thế giới.
Thế nên người yêu thì họ sẽ thấy sầu riêng thơm ngon, nhưng người ghét thì chỉ muốn chúng biến mất hoàn toàn trên cõi đời này.
Nhưng điều gì làm cho sầu riêng nặng mùi đến vậy? Mới đây, các nhà khoa học Singapore đã giải mã được thành công loại gene khiến sâu riêng có mùi hương nồng nặc đến vậy.
Theo đó, họ xác định được nhóm gene methionine gamma lyases - bị kích hoạt khi quả chín, tạo ra mùi "khó ngửi" đặc trưng riêng cho của sầu riêng.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, mùi nồng cực mạnh của sầu riêng là tổng hòa của mùi đôi tất sau khi tập gym, mùi của nước thải và thịt thối rữa.
Nhà di truyền học Bin Tean Teh, phó giám đốc Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCC) chia sẻ: "Mùi sầu riêng được mô tả là sự pha trộn của mùi lưu huỳnh của hành, mùi quả ngọt và gia vị gắt nữa. Thành phần chủ chốt trong mùi sầu riêng không thể không nhắc tới hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC), mùi trứng thối, hành, hẹ đang phân hủy".
Nhóm nghiên cứu đến từ NCC và trường y khoa Duke - NUS cũng so sánh ADN của sầu riêng và vài loài thực vật khác có mùi "nặng" như bông, cacao.
Khác với những thực vật chỉ có 1 - 2 đoạn sao chép gene sản sinh của VSC, sầu riêng vượt trội hơn hẳn khi sở hữu tới 4 đoạn sao chép, khiến VSC tăng vọt.
Giới nghiên cứu quả quyết, mùi hương nồng đóng vai trò quan trọng với sầu riêng trong tự nhiên, giúp thu hút động vật tới "ăn" và phân tán hạt giống.
Một điểm đặc biệt nữa ở phát hiện lần này, đó là sau khi sắp xếp gene của sầu riêng Musang King, nhóm chuyên gia nhận thấy loại quả này có tới 46.000 gene, gần gấp 2 số lượng gene ở người.
Nhà nghiên cứu di truyền học Patrick Tan, giáo sư của Trường Y khoa Duke-NUS, Singapore nói: "Hầu hết mọi người ở Singapore đã lớn lên với sầu riêng, và chúng tôi rất quen thuộc với nó.
Tuy nhiên, ngay cả trong cùng một gia đình, có những cá nhân thích hương vị sầu riêng, nhưng cũng có người không ngửi được mùi của nó. Đó cũng không có gì khó hiểu".
Với phát hiện lần này, nhóm khoa học hi vọng sẽ hiểu hơn về sự thay đổi tiến hóa nằm ở mùi hương của các loại trái cây.
Nghiên cứu được công bố trên Nature Genetics.
Nguồn: Longroom
No comments:
Post a Comment