Cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng chiều dài 55 km. Đây là địa điểm thường được dân phượt rủ nhau chinh phục vào mùa cỏ xanh tháng 9, tháng 10 hàng năm.
Tuy nhiên cũng vào thời điểm này, khu vực Tà Năng - Phan Dũng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ quét. Nếu không phải là người bản địa hoặc có ít kinh nghiệm phượt tại những địa hình rừng núi, sẽ rất khó để bạn phát hiện ra khi nào nước suối lên cao bởi mưa lớn thường ở đầu nguồn.
Chính vì thế, mới đây, sự việc một nữ phượt thủ tử vong do bị lũ cuốn trôi khi xuyên rừng Tà Năng - Phan Dũng đã xảy ra khiến nhiều người bàng hoàng, thương xót.
Suối Phan Dũng - nơi cô gái bị lũ cuốn tử vong (Nguồn: Lê Nam).
Liên hệ với các bạn trẻ là những "dân phượt" đã nhiều lần chinh phục rừng núi, thậm chí đã vượt đường Tà Năng - Phan Dũng nhiều lần, các bạn đều cho rằng, đây là một cung đường nguy hiểm nếu bạn không có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức.
"Hãy chắc chắn mạo hiểm không phải là nguy hiểm"
Trò chuyện với Lê Quốc Bảo (quận Tân Bình, TP.HCM) - một bạn trẻ đam mê phượt và đồng thời thường xuyên tổ chức rất nhiều nhóm chinh phục những mảnh đất, con đường đẹp trên Tổ quốc, bạn chia sẻ số lần vượt qua cung đường Tà Năng - Phan Dũng của mình là... không đếm được.
Nói về sự việc bạn gái bị lũ cuốn khi băng suối Phan Dũng, bạn Bảo cho rằng: "Nước lũ như thế là do cơn mưa lớn trên thượng nguồn kéo xuống, chảy rất xiết, 1 thanh niên con trai khoẻ mạnh cũng khó có thể vượt qua chứ chưa nói con gái yếu thể lực.
Trong tình huống đó, bạn gái này đã bị hoảng nên không thể bình tĩnh xử lý, áo mưa và balo đeo trên người là vật cản nước, ảnh hưởng rất lớn khiến bạn không thể bám lại những cành cây xung quanh".
Tả Năng - Phan Dũng là con đường trekking đẹp nhưng trước khi đi, bạn nên trang bị đầy đủ kỹ năng, trang bị bảo hộ.
Theo bạn Bảo, để đối mặt với những địa hình và tình huống nguy hiểm như thế thì có nhiều cách, nhưng tốt nhất là trước khi đi phượt, mỗi bạn bắt buộc phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cũng như các vật dụng cần thiết.
"Phải lưu ý là mạo hiểm chứ không được nguy hiểm. Mọi cung đường đều nguy hiểm nếu bạn đi mà không trang bị kỹ năng và các phương tiện bảo hộ. Nước lũ như thế này vẫn có cách đi qua an toàn bằng cách căng dây thừng và dùng các bảo hộ chuyên dụng leo núi".
"Hãy chạy ngay lên bờ nếu thấy nước suối chuyển màu đục"
Dù việc trang bị cho mình kỹ năng và hành trang trước khi đi phượt là vô cùng cần thiết, tuy nhiên, nếu phải đối mặt với những sự cố thiên nhiên bất ngờ, chúng ta sẽ không còn bình tĩnh và thời gian để nghĩ xem "Mình phải làm gì bây giờ?".
Suối Phan Dũng mùa mưa rất nguy hiểm.
Bình luận trên một diễn đàn chuyên chia sẻ kinh nghiệm dành cho những ai đam mê phượt, bạn Q.T cho biết: "Vào mùa lũ, những ai ít đi rừng thì sẽ rất khó phát hiện được khi nào lũ lên cao bởi mưa lớn thường ở đầu nguồn. Theo kinh nghiệm, mùa mưa ở Tà Năng, nước suối sẽ lên khoảng 15 giờ chiều với dấu hiệu nhận biết là nước chuyển sau màu đục. Nếu thấy hiện tượng này phải lập tức chạy nagy lên bờ, không thể chậm trễ".
Nhìn mây đoán con nước lên
Quay lại với bạn Bảo, bạn trẻ đã chinh phục Tà Năng - Phan Dũng với số lần không đếm được. Bạn Bảo cho biết, bạn là người con lớn lên từ miền núi rừng, vì thế bạn đã nhiều lần chứng kiến và vượt qua những con lũ từ thượng nguồn.
Bạn Bảo chia sẻ rằng: "Cơn mưa rừng thường diễn ra lúc 2h- 3h chiều. Ở suối Phan Dũng, khoảng 4h - 5h lũ sẽ kéo xuống. Do đó, chúng ta có thể theo khoảng thời gian này mà biết khi nào lũ về.
Bên cạnh đó, có những cơn mưa rừng bất chợt thì chúng ta có thể nhận biết bằng việc...nhìn mây. Nếu quan sát thấy có nhiều mây ở tầm thấp phía thượng nguồn, đặc biệt là mây có màu đen/ xám thì báo hiệu là sắp có mưa, lũ sẽ đổ về suối, vì thế cần có biện pháp bảo hộ".
Trước đó, khoảng 15h ngày 7/10, nữ phượt thủ cùng nhóm bạn khám phá cung đường rừng từ xã Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) xuống xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Khi vừa tới con suối Phan Dũng, gần thác Yavly thuộc xã Phan Dũng thì trời mưa rất to. Nhóm này đã tìm cách vượt suối khi lũ đang đổ về. Do bên dưới là đá trơn, chị Q, trượt chân và bị cuốn trôi.
No comments:
Post a Comment