Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ đánh chết kẻ trộm chó hoặc nghi ngờ bắt trộm chó. Mới đây nhất, vào ngày 12/10, hai đối tượng (cùng ở xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đi trộm chó ở địa bàn huyện Phú Xuyên đã bị người dân phát hiện truy đuổi, một người bị đánh chết, một người may mắn chạy thoát.
Hiện trường nơi một kẻ trộm chó bị người dân huyện Phú Xuyên, Hà Nội đánh chết.
Ngay sau đó, công an đã tạm giữ hai người dân tham gia đánh chết một trong hai người trộm chó. Trước sự việc này, nhiều người cho rằng hành vi của người trộm chó là có tội, người đánh chỉ tự vệ không làm sai pháp luật.
Để hiểu rõ về vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư thành phố Hà Nội).
Ông Thơm cho rằng, trong vụ án này, hành vi bắt trộm 4 con chó của 2 đối tượng là vi phạm pháp luật, nếu kết luận định giá tài sản 4 con chó từ 2 triệu đồng trở lên thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS. Còn nếu 4 con chó có giá dưới 2 triệu thì các đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Vợ của người đàn ông đánh chết kẻ trộm chó đau đớn khi hay tin chồng mình bị công an tạm giữ
Về phía người dân đánh chết kẻ trộm chó, ông Thơm cho rằng hành vi của người dân về việc sử dụng vũ lực ngoài những trường hợp cho phép theo quy định của pháp luật, xâm phạm đến tính mạng người khác gây hậu quả chết người đã có dấu hiệu phạm Tội giết người. Nếu một người đánh thì người này phải chịu trách nhiệm, còn nhóm người đánh chết thì tùy mức độ gây án sẽ phải chịu xử phạt đúng quy định pháp luật.
"Trong trường hợp người dân đánh chết đối tượng trộm chó nếu là tài sản của mình bị mất trộm thì người dân được xem là người bị hại có lỗi. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi đánh chết trộm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 BLHS.
Trường hợp người dân đánh chết trộm chó không phải là tài sản của mình mà do bị kích động, bức xúc thay cho những người chủ sở hữu thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo Khoản 1 Điều 93 BLHS với tình tiết định khung theo điểm N "có tính chất côn đồ".
Trường hợp đối tượng trộm chó đã bỏ chạy mà người dân vẫn tiếp tục truy đuổi và đối tượng chống trả lại nên bị đánh chết thì không được coi là phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết theo quy định tại Điều 15 BLHS và Điều 16 BLHS", ông Thơm chia sẻ.
Luật sư Trần Anh Thơm - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Cũng theo ông Thơm, dù đã xảy ra nhiều trường hợp đánh chết kẻ trộm chó bị xử lý hình sự, nhưng người dân vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình.
"Đối với những người dân tham gia đánh chết trộm vừa đáng thương cũng vừa đáng trách. Nhận thức pháp luật của người dân còn rất hạn chế trong việc phòng chống tội phạm và bắt giữ những người có hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư cho rằng trong trường hợp phát hiện kẻ trộm chó, người dân không được tự ý hành động mà phải báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để xử lý.
Đây là sự chủ động của người dân do bức xúc và thiếu kiềm chế nên đuổi theo. Thế nhưng không vì bức xúc và muốn lấy lại tài sản mà lại xâm phạm tính mạng đối tượng. Suy cho cùng tài sản cũng không thể cao quý bằng tính mạng con người.
Ngay cả các cơ quan chức năng cũng không được quyền xâm phạm tính mạng người phạm tội trong khi thi hành công vụ, trừ những trường hợp luật cho phép", ông Thơm chia sẻ.
Vị luật sư cho biết thêm, đối với trường hợp phát hiện thấy đối tượng trộm chó nói riêng và kẻ trộm cắp tài sản nói chung, người dân có thể thông báo ngay cho Cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp trấn áp tội phạm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết người dân có thể trói tay chân lại tránh trường hợp người này bỏ trốn.
No comments:
Post a Comment