Liên hoan phim Cannes luôn là mảnh đất cho nghệ thuật được sống những giây phút dị biệt nhất, đôi khi sau những giải thưởng là cả một trận chiến gay gắt về yêu lẫn ghét của giới phê bình. Với lịch sử phát triển bảy thập kỉ, Cannes đã xây dựng cho mình một thứ danh tiếng vững chắc đến độ ngạo nghễ. Ban giám khảo của Cannes đã quen với những tiếng la ó, các bài chỉ trích… mỗi khi giải thưởng thuộc về một tác phẩm nào đó bị cho là "không xứng đáng".
Năm nay, truyền thống ấy được lặp lại khi người ta chứng kiến bộ phim của "cậu bé vàng" Xavier Dolan mang tên Juste la fin du monde - It's Only The End of the World lên ngôi, mặc cho sự vùi dập từ phía cánh phê bình. Đây cũng là lúc điểm lại những cái tên từng gây tranh cãi gay gắt trong lịch sử của Cannes, kể cả khi đây vẫn là truyền thống của Liên hoan phim lâu đời này.
Xaiver Dolan tại Cannes 2016
1. Juste la fin du monde - It's Only The End of the World (2016)
Chỉ đạt 32% chứng nhận trên trang Rotten Tomatoes, bộ phim kể về một biên kịch đồng tính trở về quê nhà hẻo lánh tại Pháp để thông báo về việc mình sắp chết, Juste la fin du monde của Xavier Dolan bất ngờ nhận được giải Grand Prix (danh giá chỉ sau giải Cành cọ Vàng) tại Cannes năm nay.
Xavier Dolan vốn là con cưng của Cannes, nhưng chừng đó không đủ để cứu tác phẩm của anh khỏi những quan điểm chia rẽ sâu sắc trong giới phê bình. Nếu như tờ Hollywood Reporter nhận xét bộ phim là "một nỗi thất vọng, ngay cả đối với một Dolan đáng tin tưởng", thì The Guardian mô tả tác phẩm "rực rỡ, cách điệu và đầy mê hoặc".
2. Love (2015)
Cám ơn những bức poster gợi dục của Gaspar Noé, Love đã gây bão trong giới điện ảnh trước cả khi nó được công chiếu tại Cannes. Trong khi nhiều người đồng ý rằng đây là bộ phim nhuần nhị nhất của vị đạo diễn người Argentina, thì Love vẫn gây sốc bằng cảnh làm tình dài được quay bằng… máy quay 3D cho trải nghiệm "như thật".
3. Only God Forgives (2013)
Hai năm sau khi Nicolas Winding Refn chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2011 với Drive, anh tiếp tục bắt tay với Ryan Gosling cho ra Only God Forgives. Mặc dù không phải tất cả đều đồng ý tác phẩm là một mớ hỗn độn, nhưng không ít người đã la ó và bỏ về khi chứng kiến quá nhiều cảnh bạo lực khủng khiếp. Bộ phim chịu cảnh ra về tay trắng tại Cannes năm đó.
4. Antichrist (2009)
Lars von Trier đã có những thử nghiệm mới lạ trên chất liệu kinh dị khiến Antichrist còn ám ảnh thêm bội phần nhờ mối quan hệ tình dục đáng lo ngại của cặp vợ chồng do Willem Dafoe và Charlotte Gainsbourg thủ vai. Bộ phim bị nhiều nhà phê bình cho rằng đã tôn thờ chủ nghĩa thù ghét phụ nữ và tràn ngập các cảnh bạo dâm. Antichrist khiến nhiều người gây sốc, nhưng đủ để đem về cho Charlotte Gainsbourg giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
5. Martyrs (2008)
Kể cả khi bạn là tín đồ của dòng phim kinh dị thì bạn chưa chắc đã ưa nổi Martyrs của đạo diễn Pascal Laugier. Khi ra mắt tại Cannes, bộ phim đã gây ra những tranh cãi gay gắt xung quanh, khi khán giả sẽ phải chịu đựng những cảnh tra tấn dã man trong phim.
6. Shortbus (2006)
Đạo diễn của Hedwig and the Angry Inch là John Cameron Mitchell đã lấy cảm hứng dựa trên một buổi tiệc sex có thật ở New York những năm đầu thế kỉ 21 để làm nên Shortbus và đem nó đến Cannes. Chuyện sẽ chẳng có gì to tát nếu như những cảnh sex trong Shortbus là dàn dựng – nhưng điều đó đã không xảy ra. Việc đem một bộ phim với dàn cast hùng hậu rất cởi mở trong chuyện làm tình ngay trước ống kính của Shortbus đã khiến nhiều nhà phê bình liệt bộ phim vào dạng khiêu dâm.
7. Fahrenheit 9/11 (2004)
Bộ phim chính trị của đạo diễn Michael Moore đã trở thành tác phẩm tài liệu đầu tiên bước lên bục vinh quang nhất của Cannes kể từ năm 1956. Mặc dù giải thưởng được trân trọng trao bởi Quentin Tarantino cùng tràng pháo tay rất lâu sau đó, thì một số ý kiến vẫn phàn nàn rằng Fahrenheit 9/11 được trao là dựa trên quan điểm chính trị của Michael Moore chứ không phải những thành tựu điện ảnh mà tác phẩm đóng góp.
8. The Brown Bunny (2003)
Nếu là một tín đồ điện ảnh, bạn rất có thể đã biết tới hoặc đã từng nghe nói về The Brown Bunny. Trong bộ phim này nữ diễn viên Chloë Sevigny có cảnh quan hệ tình dục bằng miệng thực sự với đạo diễn/ diễn viên Vincent Gallo.
Trong khoảng thời gian quay phim, Sevigny tuyên bố cô và đạo diễn đang hẹn hò, tin này sau đó bị Gallo bác bỏ. Nữ diễn viên sau này bị ruồng rẫy bởi chính công ty quản lý do họ lo sợ sự nghiệp của cô sẽ sớm bị huỷ hoại. The Brown Bunny bị nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert chỉ trích là một trong những tác phẩm tồi tệ nhất trong lịch sử điện ảnh.
9. 24 Hour Party People (2001)
Một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Cannes xảy ra với một bộ phim có nội dung tưởng chừng rất "vô hại" xoay quanh nền âm nhạc pop tại Anh thập niên 70, 80. Các sao nam của bộ phim đã dùng những con chim bồ câu nhồi giả để tấn công lẫn nhau trong một nhà hàng, và các thực khách sang trọng tại đó đã phát hoảng vô cùng vì nghĩ chúng là chim bồ câu thật. Được biết cuộc đánh lộn lấy cảm hứng từ một cảnh trong phim khi nhân vật đầu độc 3000 con chim bồ câu trên bờ biển Manchester.
10. Taxi Driver (1976)
Mặc dù Cannes vẫn dành sự công bằng khi xem xét các bộ phim về tuýp nhân vật phản anh hùng, nhưng có gì đó trong tinh thần bất ổn của cựu chiến binh Việt Nam Travis Bickle (Robert De Niro thủ vai) khiến người xem đặc biệt khó chịu. Tác phẩm có cao trào đẫm máu này đã châm ngòi cho các cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra về câu hỏi đạo đức trong phim. Đạo diễn Martin Scorsese thắng giải Palm d'Or, nhưng ông không có thời gian ngồi nghe cũng như phân trần với giới phê bình, vì còn đang bận quay New York, New York với De Niro.