Hẳn cũng khá lâu rồi mới có một phim Việt Nam tạo được làn sóng tranh cãi rộng rãi như Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể. Mặc dù là câu truyện cổ tích quen thuộc mà bất cứ người Việt Nam nào cũng biết, nhưng để khắp nơi nói về bộ phim Tấm Cám, người người rồng rắn xếp hành mua vé ngày công chiếu… thì quả là một hiện tượng. Điều đó càng được khẳng định khi chỉ 3 ngày đầu công chiếu, với sự thiếu hụt doanh thu từ các cụm rạp CGV, Tấm Cám – Chuyện chưa kể vẫn thu về gần 22 tỷ đồng. Con số này là dự báo vững chắc cho cú thắng đậm doanh thu của bộ phim này.
Cần phải nhấn mạnh rằng, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể là bộ phim vay mượn ý tứ từ cổ tích dân gian Tấm Cám, chứ không hề đưa cả câu truyện này lên màn ảnh lớn. Đạo diễn kiêm Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân muốn "mượn tay" dân gian để kể những câu chuyện mà mình tâm đắc. Có một điều tôi thắc mắc, vì sao khi truyền thông trước khi công chiếu, tên bộ phim được nhấn mạnh ở phần "Tấm Cám", "Chuyện Chưa Kể" chỉ là phần nhỏ. Nhưng khi phim ra rạp thì hoàn toàn ngược lại. Nếu không có sự can thiệp nào về kiểm duyệt (tôi cho rằng không), thì xét ở góc độ truyền thông, sử dụng "Tấm Cám" làm mồi nhử thu hút công chúng trước, sau đó lại mớm cho khán giả "Chuyện Chưa Kể" là một chiến lược khá khôn ngoan và tất nhiên, đã rất hiệu quả. Tôi xin phép được gọi tắt trong bài viết này là Tấm Cám, không quan trọng các bạn muốn nhấn mạnh phần nào, tôi cứ nhắc Tấm Cám để bài của tôi được SEO tốt.
Tôi sẽ không lạm bàn về truyền thông, mặt rất thành công của bộ phim khi đã tạo nên một cơn sốt trông thấy. Tôi muốn nói một chút về chuyên môn làm phim, về bộ phim đầu tay của một đạo diễn nữ "tay ngang" xuất thân từ diễn viên.
Hình ảnh chỉn chu và bắt mắt
Về hình ảnh, tôi khá bất ngờ khi Tấm Cám có những khung hình chỉn chu, ví dụ như cảnh mở đầu phim hoành tráng với nhiều đại cảnh hùng vĩ được quay tại Ninh Bình. Lợi thế thiên nhiên của bối cảnh đã được tận dụng tốt. Xem những cảnh mở đầu này người ta có quyền hy vọng rằng mình sắp được thưởng thức một bộ phim "vượt chuẩn Việt Nam". Tuy nhiên, có thể do lời Bụt là lời tiên, người phàm như tôi không hiểu được, nên tôi nghĩ nên viết lại đoạn voice-off cho đơn giản và bớt giáo điều sáo rỗng một chút!
Xuyên suốt phim, những hình ảnh hùng vĩ của Ninh Bình cũng được tiếp tục tận dụng và tạo hiệu ứng thẩm mỹ khá tốt. Những cảnh quay fly-cam thường tạo cho người xem cảm giác choáng ngợp, có lẽ vì vậy mà Tấm Cám có khá nhiều cảnh quay như vậy. Màu sắc của phim cũng rất tự nhiên và khá điện ảnh.
Hình ảnh trong phim được chăm chút
Sau những câu chuyện hậu trường về thời tiết tại Ninh Bình, màu sắc phim như vậy là một sự nỗ lực lớn của khâu quay phim và chỉnh màu. Ngoài ra, những hiệu ứng hình ảnh như sự xuất hiện của Bụt, hủ cốt hóa ngựa, quả thị hóa nàng Tấm... được làm rất đẹp mắt và đẳng cấp, có thể nói là lần đầu tiên xuất hiện trong phim Việt, là một sự học hỏi có đầu tư từ những bộ phim Hollywood. Đáng tiếc là do nhiều giới hạn, những kĩ xảo này chỉ được thực hiện giữa chừng và dùng thủ thuật để cắt cảnh chứ không được liền lạc, mãn nhãn.
Những trường đoạn chiến tranh cũng có màu sắc và góc quay khá ổn, tạo được cảm giác hoành tráng, nhưng chưa có cảm giác tang thương của chiến trận. Điểm khó chịu ở những cảnh quay này là sự "leng keng lóc cóc" như thường thấy ở phim Việt nghèo nàn kinh phí, cảnh CGI thì vẽ hàng hàng lớp lớp nhưng những cảnh quay thật chỉ có mấy mống quân đánh trận cờ lau.
Cảnh công thành thuộc đoạn cao trào gần cuối phim càng lộ rõ sự nheo nhóc. Cả cái cổng thành to tổ bố chỉ có 4-5 quân lính đẩy cổng nhẹ là mở, vô tình khiến cổng thành cao to là vậy lại giống như đồ chơi... Tôi có nghe qua về sự thiếu thốn diễn viên quần chúng, nhưng nếu đã đầu tư kĩ xảo nhiều đến vậy, phần này sao không đầu tư?
Cảnh chiến đấu chưa tạo ra được cảm giác tang thương
Ví dụ, tại sao không quay phông xanh cho những cảnh trung hoặc cận để có thể "bố trí" thêm quân lính hậu cảnh khi hậu kì, khỏi phải cảnh núi rừng trơ trọi. Phải chăng kĩ thuật xóa phông xanh của studio hậu kì vẫn chưa đủ tốt? Vì tôi có thể nhận thấy điều đó qua nhiều phân đoạn, như cảnh Thái tử leo núi, các cảnh thượng triều, các cảnh đánh nhau trong phủ Thừa tướng... Tôi mãi không hiểu tại sao những studio ở ta, vẽ rồng vẽ rắn 3D hoành tráng, nhưng chuyện xóa phông xanh lại làm không sạch và nhìn rất giả.
Kĩ xảo vẫn còn là điểm trừ
Nhân tiện nhắc tới rồng rắn, có lẽ nên nói qua về "điểm đặc sắc" của phim mà NSX giấu mãi mới chịu trưng ra: một con quái vật ghẻ lở toàn thân, mưng mủ gớm ghiếc mang tên Cự Yết Tinh. Cũng như khá nhiều khán giả khác, tôi giật mình khi nhìn thấy hình ảnh con quái vật có tạo hình lai tạp này. Nghe đâu tốn mất cả năm trời để hoàn thành. Tôi không tin để trụng nước sôi một con bò cạp lại lâu đến vậy! Nếu xét về kĩ thuật, dám đặt nhân vật này vào phim, dám đầu tư tiền bạc và thời gian, công sức để tạo ra nó, ở môi trường VN, và làm được như vậy thì quả là đáng khen. Mặc dù chuyển động vẫn còn rất máy móc do không dùng công nghệ motion capture (chuyện thường ngày ở Hollywood nhưng chuyện viễn tưởng ở ta), nhưng cũng khá tự nhiên, tương tác với diễn viên khá ổn.
Quái vật Cự Yết Tinh có phần xấu xí
Vấn đề ở đây là tạo hình nhân vật này có vẻ không phù hợp lắm với toàn bộ câu chuyện cổ trang Á Đông vừa xem. Nhiều người gọi vui Cự Yết Tinh là pokemon hồng, cũng có phần hợp lý. Đành rằng Chuyện Chưa Kể là chuyện riêng của ê-kíp, muốn kể sao thì kể, nhưng sự sáng tạo vốn được cho là vô biên lại cần có một định hướng đúng đắn. Một ông Thừa tướng phong kiến Á Đông lại lột vỏ biến thành một quái vật ngoài hành tinh theo kiểu Hollywood, phỏng có phần chói tai, gai mắt. Ngỡ đâu Cự Yết là đỉnh điểm của niềm đam mê Hollywood của đạo diễn, thì nhân vật bất ngờ khác bước ra từ Beauty and the Beast (Pháp) lại còn "động trời" hơn khi đã được ê-kíp nâng cấp thành "phiên bản lỗi" dành riêng cho khán giả Việt Nam. Nói cho vui, nếu như Disney hay chiếu phim hoạt hình ngắn trước các suất phim hoạt hình dài, thì nay, VAA cho khán giả VN xem một đoạn phim hoạt hình ngắn ngay trong bộ phim live-action dài. Dân ta đâu thua gì ai!
Trang phục được đầu tư
Về phần nhìn, chúng ta còn có những bộ trang phục lộng lẫy nghe đâu ngốn mấy tỉ tiền sản xuất. Váy áo được thêu tay, kết đính thủ công tỉ mỉ, giáp phục được đầu tư và có sự học hỏi, cầu toàn. Vì vậy dễ nhận ra đây là điểm được khán giá chú ý ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên của bộ phim xuất hiện trên truyền thông. Đã có những nhận xét về thời điểm, triều đại và tính lịch sử của phục trang trong Tấm Cám. Tôi thấy điều đó hơi thừa trong bối cảnh một câu chuyện cổ tích. Cổ tích là câu chuyện hư cấu truyền miệng trong dân gian, mà đã là hư cấu thì không/không cần xác định thời gian, mà chỉ cần thời đại.
Ai cũng biết thời phong kiến nước ta bị đô hộ bởi Trung Hoa, thì tất nhiên, từ trang phục, kiến trúc, lối sống... đều bị ảnh hưởng sâu sắc. Những yếu tố mà chúng ta cho là của Việt Nam cũng mượn từ đó mà cải biên lại để thành của mình. Các bạn cho rằng không giống Việt Nam vì làm gì có một hình mẫu nào để các bạn so sánh. Việt Nam bao nhiêu năm nay cho ra được bao nhiêu phim cổ trang? Trước giờ chúng ta chỉ thấy cổ trang qua phim Tàu, phim Hàn... quen mắt nên thấy giống. Ngoài ra, chúng ta có bao nhiêu công trình nghiên cứu hoặc tài liệu lịch sử đủ hệ thống cho trang phục phong kiến nước nhà? Nếu có thì sự thật lịch sử đó cũng có thể không phù hợp với thị hiếu, bởi phim ảnh vẫn cần yếu tố giải trí.
Từ phác họa...
Nếu tôi là Ngô Thanh Vân và giáp phục phải giống như lính nhà Nguyễn chẳng hạn, thì tôi thà chết chứ không làm theo. Huống chi Tấm Cám còn là ‘chuyện chưa kể’, nên Ngô Thanh Vân muốn kể một câu chuyện đẹp là tất nhiên. Giáp phục của Tấm Cám đầu tư rất kĩ lưỡng và nhìn rất tự nhiên dù chắc chắn không phải bằng kim loại. Mặc dù bị số lượng èo uột như đã nói ở trên làm giảm hiệu ứng đi khá nhiều, nhưng ba quân tướng sĩ cũng trông rất oai hùng, hoành tráng, là một yếu tố nâng tầm cho bộ phim.
... đến hình ảnh thật trong phim
Tuy nhiên, đôi chỗ đẹp chưa chắc đã đúng. Tôi cho rằng xiêm y của mẹ con nhà Cám không tự nhiên khi quá kiêu sa lộng lẫy trong khi sống trong một ngôi nhà ba gian mái ngói trống hoác, chẳng có gì gọi là giàu sang, trong phim còn bị xếp vào hạng thứ dân. Có thể hiểu đạo diễn muốn nhân vật có tính cách xe xua, đua đòi, nhưng tôi nghĩ nếu tiết chế hơn, bớt hoa lá hạt cườm sẽ tinh tế hơn và giảm tính sân khấu đi. Lúc mẹ con Tấm vào yết kiến sau khi Tấm ngã cau chết, hai ả còn vận hai bộ xiêm y cách tân xa hoa đến nỗi Thái tử phi cũng không đọ lại về độ cầu kì, lấp lánh. Đẹp thì đẹp thật, nhưng chưa thấy phù hợp.
Kịch bản còn ôm đồm và chưa chặt chẽ
Lòng vòng lê thê mãi, quan trọng nhất của một bộ phim vẫn là cách kể chuyện. Ở trường hợp Tấm Cám, tôi cho rằng cũng là điều đáng nói nhất. Kịch bản Tấm Cám được xây dựng trên nền tảng một kịch bản truyền thông chứ không đơn thuần là kịch bản điện ảnh. Vì muốn tạo trên cơn sốt và giải nhanh bài toán doanh thu, NSX đã nhồi nhét khá nhiều chuyện-chưa-kể vào bộ phim dài hơn 100 phút này.
Một chiếc vé, khán giả được xem chuyện tình yêu, chuyện thần tiên, chuyện giả tưởng, chuyện chiến tranh, chuyện chính sự... Nghe có vẻ hời và hấp dẫn, nhưng có thể khá nhiều người sẽ hụt hẫng khi những câu chuyện trên đều ít nhiều hời hợt, không được trau chuốt đến nơi đến chốn. Tôi cho rằng đó là một sự ôm đồm không đáng có đối với một nhà làm phim thực thụ, nhưng ở đây họ chọn hướng đi thương mại, thì hẳn nhiên sẽ phải cân bằng với những bề nổi hào nhoáng hòng hút khán giả đến rạp và mang về doanh thu.
Kịch bản của "Tấm Cám" có phần quá ôm đồm
Kịch bản Tấm Cám được qua tay khá nhiều người, trong đó có cả người nước ngoài. Tôi không thể biết được kịch bản gốc như thế nào, nhưng chắc chắn những gì mà chúng ta nhìn thấy trên màn ảnh rộng chỉ là 50%, không biết là phần hay hay phần dở. Sự lủng củng là kết quả của việc chắp vá quá nhiều chất liệu, làm nên một câu chuyện có nhiều điều phi lý. Ví dụ mở đầu phim, Tấm cầm giỏ chỉ có mỗi con cá bống về nhà vừa đi vừa hát xem chừng rất mãn nguyện, ấy thế mà về bị Dì ghẻ tra hỏi lại lu loa là mất sạch giỏ tôm cá. Hóa ra Tấm láu cá hay Tấm có vấn đề tâm lý? Thái tử lâm trận, đánh đến tang tác, hoang tàn, tháo chạy thì phải đấu kiếm với cận thần mưu hại, bỗng dưng lại bay như phim chưởng, đánh đấm như có sức mạnh phi thường. Là câu chuyện thần thoại, nếu có sức mạnh phi thường, sao lúc lâm trận chàng lại giấu nghề? Bụt nói không được can dự chuyện phàm trần, nhưng khi Tấm không có váy áo đi trẩy hội thì Bụt giúp, nhưng khi Tấm bị giết thì Bụt đau lòng đứng ngó?! Bụt có vẻ đam mê thời trang hơn là nhân đạo?! Một cô gái đơn thuần chỉ biết khóc như Tấm cuối cùng lại người duy nhất biết Ngọc Giác La có sức mạnh thế nào... Tất cả cho thấy thực trạng nan giải của điện ảnh Việt Nam là những kịch bản logic, chứ chưa dám nói tới những kịch bản hay.
Diễn xuất còn lên gân và sân khấu hóa
Diễn xuất là phần đáng chê trách nhất của bộ phim. Tấm của Hạ Vi thì cũng đã được đa số dân mạng tâng lên thành "hàng thượng thừa" của mặt đơ, nên cũng không cần nói thêm. Cô Ngọc Giàu và chú Hữu Châu có vẻ như là tròn vai nhất, trong khi họ là diễn viên sân khấu. Còn với tôi, Ngô Thanh Vân và Ninh Dương Lan Ngọc lại đáng thất vọng nhất trong khi họ là diễn viên điện ảnh. Toàn bộ vai diễn của Ngô Thanh Vân là một màn kịch sân khấu! Nếu như trong vai trò đạo diễn, Vân có thể kiềm được Hữu Châu từ viên Khâm Sai trong 12 Bà mụ trên sân khấu xuống thành Thừa tướng như trong Tấm Cám thì tại sao Vân lại biến mình thành một vai phản diện thường thấy trên sân khấu kịch?
Tôi thật sự mong chờ vai diễn này, vì vậy đã thất vọng rất nhiều. Các đoạn diễn của cô đều ngoa ngoắt, trừng trổ, lườm nguýt và lên gân. Tệ hơn là cô giả lả thảo mai, xoay qua thì cười nói dịu hiền, xoay lại thì liếc mắt, rồi khóc thút thít... tất cả những động tác và biểu cảm đó chỉ có trên sân khấu kịch, nếu đưa lên màn ảnh thì thật kệch cỡm. Xem Vân diễn ác mà chỉ thấy buồn cười. Bởi điện ảnh cần hóa thân chứ không hóa trang, bộc lộ nhân vật từ bên trong và thể hiện ra ngoài phải tự nhiên.
Diễn xuất của Ngô Thanh Vân có phần lên gân
Lan Ngọc trong vai Cám đã làm tốt được điều này trong đoạn đầu phim, khi cô là một Cám xấu nết, đố kỵ và chua ngoa. Nhưng khi cô vào cung cho đến hết phim, những đoạn tâm lý của nhân vật Cám được Lan Ngọc diễn xuất sắc một cách... rất sân khấu. Ví dụ như đoạn giết chim, tôi không thấy động cơ nào đủ để cô điên tiết vừa cười vừa khóc, trừng mắt sòng sọc, toàn thân run rẩy, liến hoáy nhìn dáo dát, rồi cười ha hả. Với màn diễn này, tôi nghĩ Lan Ngọc là một ứng viên khá sáng giá cho vai Thái hậu Nguyễn Thị Anh trong vở kịch Bí mật vườn lệ chi.
Ninh Dương Lan Ngọc cũng khiến khán giả giật mình với diễn xuất của mình
Là một bộ phim được định hướng giải trí, những tình tiết hài hước cũng được phân bổ khá hợp lý và tạo nhiều tiếng cười sảng khoái. Đối với cá nhân tôi thì khá thoải mái với những mảng hài này, ngoại trừ nhân vật Nguyễn Lực của Ngọc Trai. Tôi không thích nhân vật này vì kiểu hài của anh ta không hợp lý và cố tình "nhây". Hài trong điện ảnh cũng phải tự nhiên, tự tình huống nó buồn cười chứ không phải nhân vật cố tình. Cảnh duy nhất của Nguyễn Lực gây cười cho tôi là cảnh anh hoảng sợ khi gặp lại Tấm và đâm đầu vào cột. Ngoài ra những đoạn anh ta chọc cười khi giao đãi với Thái tử là thiếu duyên, vì nhân vật của anh ta không thể giỡn mặt với Thái tử như vậy. Đây là biểu hiện của việc lạm dụng hài, đưa tình huống, lời thoại nhằm gây cười nhưng lại ảnh hưởng đến tính cách nhân vật, hoàn cảnh và mối quan hệ của các nhân vật.
Ngọc Trai trong phim
Một ví dụ khác: hai cảnh Bụt hiện ra khi Tấm khóc, Bụt là người vui tính nên lí lắc, lắm lời và gây cười. Tuy nhiên, Tấm đang khóc nghẹn đau khổ tự dưng lại khóc ré lên kiểu như nhõng nhẽo. Khán giả sẽ cười nhưng rõ ràng đoạn phim ngay lập tức bị sân khấu hóa... Tuy vậy, dàn diễn viên vẫn có một điểm sáng khá bất ngờ là Thái tử của Isaac. Trước khi xem phim tôi đã cho rằng anh có thể sẽ là đối trọng của Hạ Vi về khoản đơ. Tuy nhiên anh đã diễn khá tròn vai, nhất là trong những cảnh tình cảm với Hạ Vi, tôi cảm nhận được một người đàn ông si tình và có đôi lúc thấy cay mắt trước nỗi đau của nhân vật này. Tuy có một số vấn đề logic về tâm lý, nhưng có thể thấy đây là thành viên duy nhất làm được việc khi Ngô Thanh Vân nhồi nhét nhóm nhạc sắp tan rã của mình vào bộ phim. Tôi không tin Isaac có thể làm diễn viên chuyên nghiệp nhưng trong khuôn khổ bộ phim này, anh khiến tôi bất ngờ và mãn nguyện trong vai trò của mình. Đáng khen thay cho Isaac!
Isaac tròn vai trong việc thể hiện một người đàn ông si tình
Một câu chuyện muôn thuở khác của phim Việt Nam là dựng phim. Ở đây, tôi muốn nói đến sự bất lực của khâu dựng phim khi phải hứng chịu hậu quả của tất cả các khâu trước đó để lại. Một kịch bản có vấn đề về logic, thiếu tính toán về thời lượng, những đoạn phim quay nhiều lỗi, sai raccord, dài dòng... phải được nén lại cho vừa với thời lượng nhà sản xuất/nhà phát hành yêu cầu. Sẽ chẳng có nhà phát hành nào cho bạn dựng một bộ phim 3 tiếng cho dù hoành tráng, hay ho, đầy đủ tình tiết, diễn biến tâm lý phù hợp và khiến bộ phim hay đến độ nào.
Đương nhiên, vì thời lượng dài sẽ ảnh hưởng đến số suất chiếu và doanh thu. Nhưng chính vì sự đặt nặng kim tiền hơn chất lượng nghệ thuật kia đã giết chết nền điện ảnh Việt, khi những cảnh phim cứ vì áp lực thời lượng mà bị cắt cúp, chuyển cảnh nhảy đến thót tim, diễn biến tâm lý nhân vật như chạy giặc, không có lấy một khoảng lặng. Tôi luôn bất bình khi cùng trả một số tiền cho một vé xem phim, nhưng với phim nước ngoài như Hollywood hay Hàn Quốc, tôi được xem những tác phẩm choáng ngợp, cảm động. Còn phim Việt mặt bằng chất lượng vốn đã thấp, các nhà phát hành xem nhẹ chất lượng sản phẩm, khán giả sẽ mãi chỉ là cái ví tiền chứ không phải động lực phát triển của nền điện ảnh Việt.
Tham vọng là chiếc áo quá khổ và có phần diêm dúa
Tôi hiểu Ngô Thanh Vân là một người phụ nữ tham vọng, muốn thay đổi bộ mặt điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh phim truyền hình luôn tuồng chiếu rạp, hài nhảm tung hoành. Tôi tôn trọng và ủng hộ tâm huyết đó, bởi Vân là số ít những nhà làm phim trong nước muốn vượt lên tình cảnh nhà nhà làm phim mà không quan tâm đến việc cái mình làm ra có phải là phim hay không.
Một người có tình yêu điện ảnh như Vân chắc chắn sẽ làm nên chuyện nếu tích góp được nhiều kinh nghiệm chuyên môn hơn. Nhưng lắm lúc tôi khá hoang mang khi Vân dám làm đến những đao to búa lớn như Cự Yết Tinh như lại bỏ qua những tiểu tiết như việc Tấm ngã cau chết nhưng cảnh tiếp theo khi Tấm nằm sõng soài lại chẳng thấy cây cau đâu, vì theo logic vật lý của cảnh quay thì cây cao phải nằm đè lên Tấm hoặc chí ít là nằm cạnh bên; như việc quân lính chết nằm la liệt nhưng tuyệt nhiên cùng một tư thế: nằm ngửa mặt tay chân duỗi thẳng và chẳng hề mảy may một vết thương, vết dơ hay vết máu. Nghe đâu ê-kíp thanh minh rằng có máu là bị cắt. Cục Điện Ảnh vô lý đến vậy sao?
Đáng tiếc là vậy, tuy nhiên sau Tấm Cám - Chuyện chưa kể, tôi tin rằng chúng ta vẫn có những nhà làm phim tâm huyết, dù khả năng chưa đủ phục vụ cho tham vọng lớn lao của mình. Với tầm nhìn và sự cầu thị của Ngô Thanh Vân, tôi tin sau nhiều phim tới, Vân sẽ rút được nhiều kinh nghiệm và chắc tay hơn trong từng vai trò của mình: nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn hay diễn viên.
Vượt ra ngoài khuôn khổ phim chiếu rạp ăn liền, Tấm Cám nhận được sự đầu tư chỉnh chu, nghiêm túc về tài chính, thời gian và công sức. Với những phim sản xuất trong 2-3 tháng bao gồm viết kịch bản, rồi ra rạp và biến mất mà không ai biết đến, 18 tháng của Tấm Cám là một điều đáng nể phục. Tuy nhiên, tôi nghĩ Vân nên cân nhắc những gì mình có thể làm và những gì chưa làm được, tránh tạo ra một nồi lẩu thập cẩm mà lẩu Thái không ra lẩu Thái, lẩu Tứ Xuyên không ra lẩu Tứ Xuyên.
Tham vọng là tốt nhưng nên lượng sức mình, thà tròn trịa trong khuôn khổ năng lực hơn là mặc một chiếc áo rộng và có phần diêm dúa. Linh hồn và đời sống của một bộ phim vẫn là câu chuyện đặc sắc, hợp tình hợp lý. Dù kĩ xảo, trang phục có lộng lẫy hoành tráng đến đâu thì đó cũng chỉ là bên lề so với một câu chuyện có sức sống. Những kĩ xảo vốn đã không đẹp mắt ấy sẽ chóng vánh rơi vào quên lãng nhanh như chính những hình ảnh đó xảy ra trên màn ảnh. Nhưng một câu chuyện hay sẽ đọng lại lâu hơn trong trí nhớ và trái tim của người xem.
Isaac, Hạ Vi và Ngô Thanh Vân trên phim trường "Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể"
Quá tập trung vào những tiểu tiết hoa hè ly tách nhưng lại bỏ quên đại tiết thì quả đáng trách. Âu điện ảnh cũng là một ngành kinh doanh, mà kinh doanh thì doanh thu, lợi nhuận là hàng đầu. Tuy nhiên khi đã tuyên bố là phim chỉn chu, nghiêm túc, nhà làm phim cũng nên biết tiết chế để cân bằng giữa yếu tốt giải trí, thương mại và nghệ thuật điện ảnh. Ê-kíp cũng nên nhận thức được sản phẩm của mình chưa hoàn hảo mà bớt trả treo, phản ứng thái quá trước những lời chê bai. Người làm phim chuyên nghiệp nên biết mình làm dâu trăm họ và chấp nhận những ý kiến trái chiều. Những nhà phê bình cũng nên tiết chế thái độ tiêu cực để những nhà làm phim non trẻ này không sớm nản chí. Trong khi chúng ta ngồi đây hô hào và chửi bới về chuyên môn, họ đang ngồi ngoài kia đếm tiền tỷ.
Chung quy lại, Tấm Cám - Chuyện chưa kể là một bộ phim đáng xem để có những phút giây giải trí mới lạ đơn thuần, là một điểm nhấn đáng chú ý trong thị trường phim Việt hiện nay. Còn xét nét về chuyên môn, đó sẽ là một câu chuyện dài không chỉ với bộ phim này, câu chuyện kể hoài không hết.