Năm nay, chị em "bung lụa" với mốt “áo dài cách tân” kết hợp cùng quần bó hoặc váy xòe (váy đụp). Phạm trù cái đẹp thuộc dạng opinion (tùy quan điểm mỗi người), mà đã là opinion thì không có đúng- sai; mọi đánh giá thuộc dạng opinion hoàn toàn mang tính cá nhân và phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người.
Cái bạn cho là xấu thì có thể với người khác là đẹp, còn thứ bạn tâm đắc, cho là đẹp rất có thể cũng chỉ là thứ dị hợm hoặc tầm thường trong mắt người khác, đơn giản thế thôi!.
Ở góc nhìn cá nhân, tôi thấy ngoại trừ những chị em sở hữu thân hình “quá khổ” thì việc mặc “áo dài cách tân” với váy hoặc quần bó đều khá ổn. So với áo dài truyền thống, trang phục cách tân có thể không thướt tha bằng, nhưng bù lại nó tạo cho người mặc sự năng động, thoải mái mà vẫn chẳng kém phần duyên dáng.
Nếu tham gia những sự kiện trọng đại, hoặc những lễ hội lớn thì việc khắt khe đòi hỏi chị em diện áo dài truyền thống còn có lý, đằng này chị em “bung lụa” với “áo dài cách tân” đơn giản chỉ là để đi chơi Tết, chơi Xuân.
Đi chơi cũng có thể bao đồng cả việc cùng vào bếp, cùng dọn dẹp với bạn bè, người thân sau những lễ tiệc ăn uống. Chơi Xuân cũng đồng nghĩa với những chặng đường xa, những cuộc vui liên miên cả ngày. Thử nghĩ, họ sẽ mặc những bộ áo dài truyền thống, tôn dáng với những đôi giày cao gót… đẹp đấy, nhưng có lẽ lúc đó cái đẹp chỉ dành để ngắm, mọi hoạt động sẽ bị hạn chế, và nếu thời gian kéo dài quá lâu sẽ khiến người mặc mệt mỏi, không thoải mái, thậm chí trở thành kẻ dị biệt cũng nên.
Với tôi, “áo dài cách tân” hay áo dài, váy đụp còn lịch sự hơn rất nhiều so với một chiếc váy ôm ngắn. Ngoài ra nó còn khiến người mặc khá thoải mái, họ có thể diện nó với bất cứ loại giày bệt hay cao gót, hay đi chân không khi vào những sàn nhà lát gỗ cũng rất tiện lợi.
Bạn có thể thấy nó không đẹp, bạn không thích và không mặc nó, đấy là quyền của bạn. Nhưng làm ơn đi, đừng “ụp” cái suy nghĩ ấy của bạn vào “sọ” người khác chỉ vì bạn cho là như thế.
Mỗi cá nhân đều có nhận thức riêng về cái đẹp và nên nhớ người phụ nữ chỉ đẹp nhất, duyên dáng nhất khi họ cảm thấy thoải mái và tự tin với trang phục của chính mình. Thứ kệch cỡm nhất thực ra không phải là bộ trang phục thiên hạ khoác trên người mà chính là thói quen áp đặt suy nghĩ mang tính cá nhân lên những người khác chỉ vì bạn nghĩ rằng: Nó cần phải như thế!
Thời trang vốn dĩ bị chi phối rất nhiều bởi bối cảnh, hoàn cảnh lịch sử và thời đại, lại luôn phát triển theo kiểu lòng vòng, nay cái này là mốt thì mai có thể đã lại hết mốt. Bản thân cái áo dài với hai tà dài gần chấm gót hiện nay mà các bạn cho là truyền thống và thuần Việt ấy, vào những năm 193x đến 196x nó thậm chí đã từng bị lên án là bộ trang phục lai căng.
Tôi là một giáo viên, không quá cầu kỳ trong vấn đề ăn mặc. Cảm hứng ăn mặc và làm đẹp của tôi phụ thuộc chủ yếu vào sức khoẻ và tâm trạng. Nhưng với những sự kiện quan trọng, hoặc những dịp dự các đại lễ, dù vóc dáng rất khiêm tốn và đầy khuyết điểm, song tôi tin cách chọn trang phục của mình đủ ổn để có thể khiến bản thân tự tin, lịch lãm trước đám đông.
Áo dài với hai tà dài gần chấm gót, đang được xem là trang phục truyền thống hiện nay, vốn luôn là sự lựa chọn tối ưu nhất của tôi trong các dịp trang trọng. Phần vì tôi thấy hợp và yêu thích, phần vì nó khiến tôi “ăn gian” chiều cao hơn bất cứ trang phục nào tôi mặc, dù có thể nó cũng khiến tôi trông “mợ” hơn so với bình thường rất nhiều.
Nhược điểm tôi nhận thấy mỗi khi diện trang phục ấy là tôi thường phải đi đứng rất cẩn trọng, mọi hoạt động rất cầm chừng...Và tôi dám chắc, chẳng riêng gì mình, đa phần phụ nữ đều cảm thấy thực sự ít thoải mái, kém hoạt bát trong các hoạt động khi diện loại trang phục này vì cấu trúc bó eo và hai tà dài lòng thòng của nó.
Thậm chí, nếu đi xe đạp hoặc xe máy không khéo còn dễ bị tai nạn. Có thể do kỹ năng kết hợp các hoạt động của tôi kém, nhưng thú thật, nếu ai thách mặc áo dài truyền thống rồi bao đồng cả việc rửa bát, nấu nướng, hoặc đi picnic thì tôi xin “vái cả nón”.
Nếu chúng ta thực sự trân trọng tà áo dài truyền thống thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta nên biết mặc nó vào đúng dịp, đúng hoàn cảnh, để tôn vinh nó, chứ không phải việc yêu cầu mọi người phải mặc nó trong mọi hoàn cảnh mà tước đi quyền được trải nghiệm cái mới của họ.
Cái dở của những người khơi mào cho cuộc phản biện là từ một bộ trang phục, ngoài việc dùng lời chua cay để dè bỉu, người ta còn bâu xâu vào phán xét cực đoan, nâng cao quan điểm, gán bừa việc thay đổi thiết kế của một bộ quần áo với những thứ lớn lao.
Ai dám chắc, 100 năm sau, con cháu chúng ta không thể lấy kiểu áo tân thời đang bị một bộ phận nhỏ xã hội lên án hiện nay, làm trang phục truyền thống của chúng? Tương lai là thứ không thể đoán trước, và đó là đặc tính thú vị của tương lại. Hãy để thời gian đưa ra câu trả lời thay vì cứ tự áp đặt và phán xét người khác qua gu thẩm mỹ chưa chắc đã chuẩn của mình.
Nếu không có sự “cách tân” không ngừng của thời trang, thì giờ năm giới vẫn đang phải đóng khố và phái đẹp cũng đồng loạt truyền thống áo yếm kết hợp với váy đụp là may rồi đấy!
Tôn vinh cái cũ đã được thừa nhận và mở lòng với những cái mới được sinh ra như một sự tất yếu đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thời đại, đó mới là suy nghĩ đúng để truyền thống được lưu tồn và sức sáng tạo được phát huy.
Lê Thị Minh Thu
(giáo viên)
Let's block ads! (Why?)