Người phán xử là dự án phim hình sự đầu tư kinh phí khủng, được phía sản xuất quảng bá là "đủ tiêu chuẩn xuất khẩu" trước khi ra mắt. Đúng như lời hứa hẹn, Người phán xử được xây dựng với các yếu tố thu hút và quy trình chất lượng theo đúng xu hướng phim truyền hình trên thế giới.
Điển hình là kỹ thuật thu tiếng đồng bộ, tình tiết đảm bảo phải thật nhanh và dồn dập, lời thoại có hài hước duyên dáng nhưng cũng có độ sâu suy ngẫm, cuối tập phim có đoạn kết lửng để khiến khán giả phải ngóng chờ, bàn luận sôi nổi về tập sau...
Đây là một sự cố gắng đáng được thừa nhận của ekip làm phim. Tuy nhiên, để trở thành một bộ phim đề tài tội phạm hình sự hoàn hảo, Người phán xử vẫn còn một vài thiếu sót để có thể đạt đến tầm chuẩn mực của dòng phim hành động tâm lý tội phạm, hay ít nhất là so sánh với bản gốc Ha-Borer vốn rất thành công ở Israel.
Lòng yêu nước của nhân vật ông trùm
Ông trùm trong phiên bản gốc là kẻ giết người tàn độc nhưng cũng đồng thời là một người có những cách nhìn nhận, ứng xử rất truyền thống. Asulin rất sùng đạo Do Thái và dùng lời răn trong kinh Torah để phán xử các nhân vật. Ở Israel, đạo Do Thái không khác gì linh hồn của cả dân tộc.
Trong bản này, ông trùm Asulin từ chối lời mời hợp tác buôn ma tuý của các đối tác vì "không muốn thế hệ sau của đất nước Israel bị huỷ hoại". Rõ ràng, ông trùm Asulin trong bản gốc là một người ái quốc điển hình. Ở phiên bản Việt Nam, ông trùm Phan Quân từ chối buôn ma tuý với lý do sợ "không có quan tỉnh nào chơi cùng". Có lẽ vì yếu tố cảnh quan nên nhân vật Phan Quân của bản Việt bị thiếu đi một nét thú vị.
Tinh thần dân tộc mạnh mẽ
Thông điệp của Ha-Borer là "từng con người Isarel đều có ý chí mạnh mẽ để tiếp tục đương đầu với khó khăn thách thức từ bên ngoài và những vật lộn nội tâm trong bản thể mình". Chính vì thông điệp mang tính chất dân tuý như thế nên bản gốc Ha-Borer ở Israel được coi là bộ phim bắt buộc phải xem đối với những ai muốn hiểu về con người Israel đương thời và về cách người Israel nhìn nhận chính mình và thế giới xung quanh.
Thậm chí bộ phim còn được biên tập phụ đề tiếng Anh để phát trên các máy bay của hãng hàng không quốc gia Israel – El Al cho các khán giả quốc tế thưởng thức. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bộ phim chỉ đơn thuần là một bộ phim hình sự giật gân thông thường, yếu tố dân tộc khá mờ nhạt. Thiết nghĩ nếu biên kịch nghiên cứu và cho thêm vào phim những vấn đề mang tính văn hóa, con người Việt Nam thì sẽ phong phú hơn.
Tính thời sự thức thời
Bản gốc Ha-Borer sử dụng thế giới tội phạm như cái nền để khai thác những đề tài mà người Israel quan tâm như đạo đức, tính cộng đồng và ý nghĩa nguồn cội. Ngoài ra, bộ phim cũng bám theo những vấn đề nóng, mang tính thời sự của quốc gia như khoảng cách giàu nghèo thay đổi chóng mặt, bất bình đẳng trong xã hội và nỗi đau chiến tranh.
Có một đoạn khi một người đàn ông tuổi lão niên bị đám giang hồ bao vây. Sau một hồi doạ nạt, kẻ cầm đầu phát hiện ra con trai của người đàn ông này cũng từng làm lính nhảy dù giống mình và đã hy sinh. Kính trọng trước sự hy sinh của gia đình người đàn ông giành cho đất nước, gã đã để cho ông ta đi. Ở bản Việt Nam, Người phán xử chỉ chủ yếu đánh nặng vào một thông điệp duy nhất là sự tàn khốc của thế giới ngầm.
Nghề nghiệp của Lê Thành
Trong bản gốc, Nadav (nhân vật nguyên mẫu của Lê Thành) là một nhân viên xã hội. Đây là một nghề trí thức và rất được tôn trọng ở Israel. Nhưng ở Việt Nam lại không có nghề này nên biên kịch đã biến thành làm chuyên viên tư vấn tâm lý.
Ở Việt Nam, nghề này cũng không được phổ biến lắm, chưa được pháp luật quy định và cũng chưa có mã nghề. Thực chất, các cơ sở tư vấn tâm lý Việt Nam hiện nay được thành lập trên cơ sở "doanh nghiệp được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Bởi vậy, nghề nghiệp của Lê Thành trong phim không được miêu tả kĩ, không có đất dụng võ, đôi khi lại hơi gượng và thể hiện sự "nguy hiểm" qua 4 chữ "chuyên viên tâm lý" chứ không thể hiện được thực tiễn,
Tuyến cảnh sát mờ nhạt
Đây là một bộ phim có góc nhìn từ phía tội phạm. Điều này hoàn toàn chấp nhận được vì rất nhiều các tác phẩm điện ảnh kinh điển mà chúng ta yêu quý cũng chọn các tội phạm khét tiếng làm nhân vật chính để miêu tả thế giới ngầm, điển hình như Bố già...
Tuy nhiên, có một điểm bị thiếu của bộ phim là phía cảnh sát quá mờ nhạt. Các phim cảnh sát hình sự của Việt Nam giai đoạn gần đây thường rất yếu trong khoản xây dựng hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát. Thậm chí mô tả động tác nghiệp vụ sai, quân phục mặc không đúng đơn vị, nhiều khi gây ra tác dụng ngược cho người xem.
Thật tiếc khi Người phán xử là một bộ phim có tiếng vang lớn nhưng lại không khắc phục được điểm yếu này của phim hình sự Việt. Có lẽ không cần phải có tuyến cảnh sát quá lấn át vì đây là bộ phim có điểm nhìn của tội phạm và các thế lực trong phim cũng rất đông rồi nhưng cảm giác gần như cảnh sát xuất hiện trong Người phán xử chỉ để cho có, cốt để tránh bị kiểm duyệt.
Tuy nhiên, như đã nói nhiều lần, sự cách tân trong Người phán xử thể hiện sự cố gắng của nhà đài và công ty sản xuất để tạo ra một diện mạo mới cho dòng phim hình sự, tâm lý tội phạm. Phim đang phát sóng lúc 21h30 trên VTV3, thứ 4 và 5 hàng tuần.
Let's block ads! (Why?)