Cô gái tội nghiệp ấy chính là Anneliese Michel, sinh ngày 21/9/1952 tại một vùng quê ở Bavaria, phía tây nước Đức. Theo như lời kể của mọi người, Anneliese là một con chiên ngoan đạo, hết mực yêu thương và tôn sùng Chúa, bên cạnh đó cô cũng là một cô gái trẻ siêng năng, ngọt ngào, dễ mến và cực kỳ nghe lời mẹ.
Trước đó, vào năm 1948, mẹ của Anneliese, bà Anna đã sinh một người con ngoài giá thú là Martha, khiến cho gia đình vô cùng xấu hổ đến nỗi trong ngày cưới, bà bị buộc phải mặc áo cưới màu đen.
Sau khi sinh Anneliese, bà Anna đã nuôi dạy con gái thành một con chiên sùng đạo, cống hiến hết mình vì Chúa để giúp bà bù đắp lại những tội lỗi năm xưa. Đến năm 8 tuổi, Martha qua đời do biến chứng của ca phẫu thuật cắt khối u ở thận. Là một cô bé nhạy cảm, Anneliese càng lớn càng cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn để thay mặt mẹ mình đền tội với Chúa.
Anneliese lúc nào cũng lo lắng đến mức ám ảnh bởi những tội lỗi mà con người gây ra và muốn thoát ly khỏi chúng. Khi các cô cậu thanh niên ở những năm thập niên 60 ngày đêm chỉ nghĩ đến việc khám phá giới hạn tự do của bản thân thì Anneliese mỗi tối đều ngủ trên sàn nhà để chuộc tội cho những người nghiện ma túy ngủ vất vưởng ở ga xe lửa.
Năm 1968, Anneliese bắt đầu gặp các cơn co giật, không thể kiểm soát được cơ thể. Mặc dù được các bác sĩ chẩn đoán là biểu hiện của động kinh nhưng từ đó trở đi, Anneliese cho biết, cô thường xuyên thấy những ảo giác ma quỷ mỗi lần cầu nguyện.
Đến năm 1973, mọi việc càng lúc càng tệ hơn. Anneliese rơi vào trạng thái trầm cảm, khủng hoảng nặng nề đến mức muốn kết liễu cuộc đời. Anneliese còn luôn nghe thấy những giọng nói văng vẳng bên tai nguyền rủa cô trong khi chẳng ai nghe thấy gì cả. Hai lần cô cầu cứu mục sư địa phương xin được làm lễ trừ khử “con quỷ” trong người đều bị từ chối.
Ngày qua ngày, Anneliese càng trượt sâu hơn vào vực thẳm. Mỗi ngày cô quỳ gối đến 600 lần đến mức đứt luôn dây chằng đầu gối. Cô bò lết dưới sàn nhà, không kiểm soát được hành vi, tiểu tiện bừa bãi, thậm chí là ăn cả côn trùng và gào thét, chửi rủa suốt cả ngày. Những người xung quanh đều khuyên gia đình đứa Anneliese đến bệnh viện tiếp tục chữa trị nhưng họ vẫn tin rằng “con quỷ” trong người Anneliese chỉ bị chế ngự và trục xuất bằng lễ trừ tà.
Tới tháng 9/1975, đức giám mục Wurzburg, cuối cùng đã chấp thuận cho phép Cha Arnold Renz và Cha Ernst Alt được thi hành lễ trừ tà với Anneliese.
“Tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình”, bà Anna nói với báo giới. “Chẳng còn cách nào khác để cứu con bé”.
Trong giai đoạn này, Anneliese đã từ chối sự can thiệp y khoa từ bệnh viện. Các triệu chứng của cô sau này được so sánh với bệnh tâm thần phân liệt mà đáng lẽ ra có thể điều trị bằng các liệu pháp tâm lý và thuốc men lúc bấy giờ.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng của Anneliese ngày một tồi tệ là do cô bị ảnh hưởng bởi một cuốn sách về trừ tà của tác giả William Friedkin ra mắt vào năm 1973. Bên cạnh đó, các nghi thức trừ tà ròng rã và liên tục quá kinh khủng trong nhiều tháng trời cũng có thể là thứ khiến cho căn bệnh tâm lý của Anneliese ngày càng nặng, cô gặp nhiều ảo giác và trở nên điên loạn hơn.
Trong khoảng thời gian gần 10 tháng, Anneliese đã trải qua 67 buổi lễ trừ tà, mỗi tuần từ 1-2 lần, mỗi lần kéo dài đến 4 tiếng đồng hồ. Trong suốt quá trình đó, Anneliese đã bị xích lại và hành hạ một cách ghê rợn. Khám nghiệm tử thi của Anneliese cho thấy răng cô bị gãy, đầu gối nứt vỡ, mắt miệng bầm đen, tụ máu nhiều nơi trên người… Qua 40 cuốn băng ghi hình lại các buổi lễ trừ tà cũng thấy được mức độ khắc nghiệt đến ghê sợ mà Anneliese phải trải qua.
Từ một cô gái trẻ trung đầy sức sống, Anneliese đã sút cân nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 30kg, chẳng khác gì một bộ xương khô khốc. Cô gái trẻ này tin rằng tự bỏ đói bản thân là một cách làm suy yếu năng lực của quỷ Satan đối với cô.
Mùa xuân năm 1976, Annaliese bị viêm phổi và sốt mê man. Cô yếu đến mức không thể tự quỳ gối, phải nhờ đến bố mẹ đỡ trong suốt các buổi cầu nguyện. Anneliese tiếp tục chống chọi đến ngày 1/7/1976 thì qua đời. Báo cáo pháp y cho thấy, cô bị suy dinh dưỡng, cơ thể kiệt quệ và bị đói đến chết.
Vụ án của Anneliese cho đến ngày nay đã trở thành nỗi xấu hổ của các cư dân ở vùng Klingenberg. Christiana Metzler, 42 tuổi, một nhân viên làm việc tại văn phòng du lịch địa phương cho biết: “Rất nhiều chi tiết về cái chết của Anneliese đã bị che giấu. Không ai muốn nói về nó nữa. Có vẻ như bố mẹ của cô ấy đã quá sùng đạo đến mức không nhận ra được điều gì đã xảy ra cho con gái mình”.
Đó là một quá khứ mà cả Giáo hội cũng lấy làm xấu hổ. Năm 1984, các giám mục Đức đã kiến nghị đến Rome về việc rà soát lại nghi lễ trừ tà. Mặc dù kiến nghị này không được thông qua nhưng Tòa Thánh Vatican đã đưa ra một sửa đổi cho nghi lễ vào năm 1999 - lần chỉnh sửa đầu tiên kể từ thế kỷ 17 - rằng tất cả những linh mục phải trải qua huấn luyện y tế mới đủ tư cách để thực hiện nghi lễ trừ tà.
Sau một quá trình điều tra, các công tố viên cho rằng cả bố mẹ của Anneliese và các vị linh mục đã góp phần gây nên cái chết của cô gái. Năm 1978, cả 4 người này đều bị tòa tuyên án 6 tháng tù giam và 3 năm tù treo vì tội vô ý giết người. Phán quyết của tòa cho rằng nếu gia đình sớm đưa Anneliese vào bệnh viện thì có lẽ cô đã được cứu, thay vì suốt một thời gian dài bị dằn vặt, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần bằng các nghi lễ làm phép khiến cho sức khỏe cô bị yếu dần và chết.
Thi thể của Anneliese được chôn cất ngay cạnh phần mộ của Martha tại khu nghĩa trang dành riêng cho những đứa con ngoài giá thú và những người tự sát. Ngay cả sau khi chết, Anneliese vẫn không được giải phóng khỏi tất cả những tội lỗi mà cô đã cố gắng bù đắp trong suốt phần đời ngắn ngủi của mình.
Ulrich Niemann, một vị linh mục dòng Tên, cũng là bác sĩ - bác sĩ thần kinh mà các linh mục thường gọi đến trong các lễ trừ tà, nói với The Washington Post năm 2005: “Đứng trên cương vị là một bác sĩ, tôi cho rằng không có thứ gọi là quỷ ám ở đây. Đối với tôi, họ đều là những bệnh nhân mắc vấn đề về tâm thần. Tôi cầu nguyện cùng họ nhưng mặt khác tôi cũng phải đối mặt với họ với tư cách là một bác sĩ thần kinh. Với một bệnh nhân tin rằng họ bị chiếm giữ bởi quỷ dữ thì thật sai lầm nếu như tôi bỏ qua đức tin của họ".
Một học giả tên Heike Schwarz, tác giả của cuốn sách Beware of the Other Side(s): Multiple Personality Disorder and Dissociative cho rằng, những trường hợp được xem là bị quỷ nhập chỉ là biểu hiện của chứng rối loạn đa nhân cách.
Câu chuyện ám ảnh của Anneliese Michel là cuộc đấu tranh giữa đức tin và khoa học. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, nếu Anneliese không sinh ra trong một gia đình quá sùng đạo, không phải chịu ảnh hưởng từ sự cuồng tín của bố mẹ, không trải qua những buổi lễ trừ tà khắc nghiệt mà thay vào đó được đưa đến bệnh viện chữa trị sớm, có lẽ cô đã không phải chịu một cái chết đau đớn như vậy. Bên cạnh đó, vẫn nhiều người chọn tin vào câu chuyện quỷ xâm chiếm cơ thể của Anneliese, một bộ phận người sùng đạo vẫn hành hương đến ngôi mộ của cô gái trẻ để cầu nguyện mỗi năm.
(Nguồn: Telegraph, Unilad, Wikipedia)
Let's block ads! (Why?)