Đối với các tín đồ thời trang, còn gì đau lòng hơn khi phát hiện ra rằng, chiếc túi hiệu đắt giá mà mình ưa thích, tiết kiệm bao lâu mới mua được là sản phẩm được sao chép một cách tinh vi.
Vấn đề “hàng thật, hàng nhái” tuy không quá mới mẻ nhưng là một câu chuyện khiến nhiều người phải đau đầu. Ngay cả trong showbiz, không thiếu nhiều trường hợp các ngôi sao hôm trước mới khoe chiếc túi hiệu mới sắm, hôm sau đã dính ngay nghi án dùng đồ fake, khiến kẻ phải “ngậm ngùi” im lặng, người vội lên tiếng thanh minh.
Thậm chí ngày nay, vào store chính hãng tại các trung tâm lớn cũng chưa hẳn an tâm, khi vấn đề “trộn hàng” vẫn có thể xảy ra. Thế mới biết, để sở hữu một sản phẩm hàng hiệu đẹp, chất lượng tốt, chính hãng cũng lắm nhiêu khê, không phải có tiền là được.
Để nhận biết hàng thật, hàng nhái, bên cạnh việc tìm một cửa hàng uy tín, tín đồ thời trang cũng nên “bỏ túi” ngay những bí quyết “soi” hàng sau đây.
Luôn để ý đến logo, tên thương hiệu
Các thương hiệu lớn luôn dành thời gian đầu tư vào logo, bảng tên trên mỗi sản phẩm. Các logo này sẽ không bao giờ bị trầy, xước hay có dấu hiệu cong vênh.
Đặc biệt, logo thương hiệu luôn luôn được phủ 1 hợp chất chống trầy, chống nước. Trước khi đến tay bạn, nhãn hàng sẽ luôn bọc sản phẩm của họ qua một lớp keo nhỏ, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, dù là nhỏ nhất đến với sản phẩm, chỉ khi bạn mua chiếc túi, bạn sẽ chính là người “bóc tem”, tháo tấm nhựa đó ra.
Nếu bạn cảm thấy chiếc túi mà mình chuẩn bị mua có phần logo thương hiệu bị trầy nhẹ, hình dáng không được đẹp hoặc thậm chí các chữ cái bị sắp xếp xô lệch, quá xa hay qua gần nhau, hãy bỏ chiếc túi đó xuống và tìm đến một cửa hàng khác.
Xem xét, kiểm tra các phụ kiện, phụ liệu gắn vào túi
Với những thương hiệu lớn, tất cả những gì đi kèm với túi cũng được nhãn hàng quan tâm, từ dây xích, khóa kéo, đến card thông tin, hộp đựng
Với chiếc clutch cầm tay xinh xắn của thương hiệu Dolce & Gabbana này, sản phẩm sẽ được bọc qua 1 lớp giấy lụa, cho vào hộp, chiếc hộp lại được gói bằng 1 lớp giấy lụa nữa rồi mới bỏ vào túi, trao cho khách hàng.
Với những sợi dây xích đặc trưng của các chiếc túi Chanel, bạn không thể bỏ qua phần mắt xích. Mắt xích nhỏ, đều nhau và không có vết hàn là những tiêu chuẩn đặc trưng của thương hiệu này. Bên cạnh đó, sản phẩm sẽ đi kèm một card thông tin, ghi rõ ràng tên, mã số chiếc túi, nơi bán ra cũng như ngày bán…
Còn ở chiếc túi được mệnh danh là đắt nhất thế giới Hermes Himalayan Birkin , giá thấp nhất tầm 2,5 tỷ đồng. Chiếc túi này có 2 phiên bản, ổ khóa bọc da và ổ khóa, khóa cài bằng vàng trắng nạm kim cương. Sẽ có 6 hàng kim cương nơi ổ khóa và khóa cài, được đính kết tinh tế không để lộ vết hàn.
Không được bỏ qua vấn đề về kích thước, phom dáng cũng như đường ráp nối
Các thương hiệu thường có những quy định riêng về kích thước sản phẩm, cách ráp nối, thậm chí đến số lượng mũi chỉ trên từng đường may, vì vậy, nếu đến một cửa hàng có 2 chiếc túi mà cách may, đường may khác nhau, tốt nhất bạn không nên chọn mua sản phẩm ở đó.
Đối với chiếc túi Ce’line, phần khóa kéo luôn được hãng quy định may 12 mũi chỉ, đối xứng nhau.
Dòng túi Mama của Dolce&Gabbana lại được may cách cẩn thận để phần họa tiết giữa miệng túi và thân túi ráp vào nhau hoàn chỉnh, không bị xô lệch.
Đôi lúc, các thương hiệu cũng cho ra một số ít chiếc túi được làm theo “phiên bản giới hạn”, có kích thước bé hoặc lớn hơn dòng sản phẩm chính. Các mẫu túi này sẽ được đăng lên web chính hãng, kèm các thông tin chi tiết về kích thước, số lượng cũng như nơi bán ra. Các tín đồ thời trang nên để ý những điều này để không phải mua nhầm một chiếc túi nhái, có kích thước không giống sản phẩm chính hãng mà lại tưởng nhầm mình mua được một sản phẩm giới hạn có giá “hời”.
Theo Helino