Tràn lan quảng cáo
"Hiệu quả mà phương pháp này đem lại đó là bạn không cần đến phấn hay kem nền nữa, chỉ cần kem chống nắng và 1 thỏi son là đã hoàn toàn tự tin ra đường rồi". Đây là lời quảng cáo của không ít các spa về một phương pháp làm đẹp đang được nhiều chị em quan tâm.
Theo lời quảng cáo này thì "Cấy phấn (hay còn goi là CC Cover) là công nghệ chăm sóc da bằng tế bào chuyên nghiệp ra đời tại “cường quốc” làm đẹp Hàn Quốc. Ngay từ khi xuất hiện, kỹ thuật này đã gây nên cơn sốt trong cộng đồng làm đẹp xứ Kim Chi và nhanh chóng lọt vào Top 10 Dịch vụ thẩm mỹ không phẫu thuật do phụ nữ 18 – 45 tuổi bình chọn. Với ưu điểm nhẹ nhàng, thời gian thực hiện nhanh chóng, hoàn toàn không gây đau đớn hay sử dụng các chất ủ tê có khả năng gây kích ứng, CC Cover được lòng ngay cả những làn da nhạy cảm nhất".
Với những lời quảng cáo như thế này đã khiến không ít chị em "đứng ngồi không yên". Rất nhiều chị em yêu thích làm đẹp đã vội vàng chộp lấy các cơ hội vàng giảm giá với hy vọng sẽ có một làn da đẹp chuẩn Hàn. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên thì tại thị trường Hàn Quốc không có phương pháp làm đẹp nào được gọi là "cấy phấn cho da".
Tên gọi gây hoang mang
Theo bà Lê Mai, chủ Adamas Spa thì "cấy phấn" là một cách gọi "Việt hóa" rất dễ gây hiểu lầm về phương pháp này. Nó làm cho người đọc dễ hình dung nhưng lại làm cũng làm cho người đọc hoang mang.
Tinh chất được cho là có thể giúp da trắng bật lên vài tone chỉ sau 30 phút.
Từ thực tế các khách hàng thường xuyên gọi điện để hỏi về phương pháp này, bà Mai đã chỉ ra có rất nhiều khách hàng hiểu nhầm rằng đó là "cấy phấn nền" vào da. Và như thế thì thực sự nguy hiểm, bà Lê Mai đánh giá. Thực chất trong trang điểm, đánh phấn nền cho da cũng không phải là một hình thức làm đẹp được khuyến khích dùng thường xuyên, bởi vì rất có thể sẽ có một số lượng chì nhất định thẩm thấu vào da. Vì thế, nếu "cấy" được phấn vào da thì rõ ràng việc làm này cực nguy hại cho da. Đã có những khách hàng gặp phải biến chứng khôn lường với việc nổi mụn và tổn thương da nghiêm trọng khi thử sử dụng phương pháp "cấy phấn" ở nhưng nơi không uy tín. Khi được hỏi tại sao lại có từ "cấy phấn" thì bà Vũ Lê Mai cho biết, rất có thể bởi vì các dưỡng chất được đưa vào da nhìn bên ngoài "trông giống như phấn nền", và sau khi làm đẹp da được căng bóng, khiến nhiều spa tự đưa từ khóa "cấy phấn" vào các trang quảng cáo để đạt hiệu quả truyền thông.
Sự thật về "cấy phấn cho da"
Cũng theo bà Lê Mai thì phương pháp cấy phấn cho da được các trung tâm thẩm mỹ gọi với tên gọi khác nhau, nơi thì gọi là cấy phấn CC cover, nơi thì gọi là bắn phủ White Skin… Tên gọi khác nhưng hình thức làm thì hoàn toàn giống nhau. Hiệu quả của phương pháp này cũng không phải là giữ được vĩnh viễn như nhiều quảng cáo nói quá, theo bà Mai, nó có thời hạn lâu nhất khoảng 2-3 năm nếu làm đúng liệu trình, đúng sản phẩm và đúng phương pháp.
Bà Vũ Mai và chuyên gia Medwin Lim trong buổi chia sẻ.
Theo chuyên gia làm đẹp Medwin Lim, trưởng đại diện khu vực châu Á của Dermediscs thì đây là một phương pháp làm đẹp phổ biến trên thế giới, đã ra đời từ lâu và thịnh hành (chứ không phải "gây sốt" như nhiều quảng cáo) ở Châu Âu cũng như Hàn Quốc. Tuy nhiên để làm đúng phương pháp này phải là sự đồng bộ cả về sản phẩm, kỹ thuật máy và tay nghề. Bởi vì tế bào trên mặt có những cấu trúc khoa học mà phải tuân thủ các bước thực hiện mới có thể giúp hỗ trợ sản sinh colagen tái tạo da.
Đồng quan điểm, TS. BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện da liễu Trung ương trả lời trên một trang báo cho rằng: Phương pháp "cấy phấn vào da" là phương pháp làm đẹp đang bị nói quá về tác dụng thực tế. Phấn chỉ nên bôi bên ngoài chứ không nên cấy vào da. Các hạt phấn sẽ xâm nhập vào da, tác động sâu vào lớp biểu bì gây ra nhiều nguy cơ như viêm da, biến đổi da… vì bản chất đây là một chất lạ. Thực tế, cách làm trắng da này chỉ có hiệu quả tạm thời, không được lâu dài, chúng ta sẽ phải làm thường xuyên. Vì thế các tinh chất lạ chưa được kiểm chứng này sẽ thâm nhập sâu hơn và có thể gây hại cho da.
TS. BS Thường còn khẳng định thêm: "Bất kể thứ gì khi cấy vào da đều có thể gây hoại tử. Tôi đã phải điều trị rất nhiều trường hợp da hư hại vì tiêm, cấy những chất chưa được kiểm chứng khoa học”.
Phương Nghi
No comments:
Post a Comment