Liên tiếp phát hiện sai phạm trong sản xuất mỹ phẩm
Bằng biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã công bố đình chỉ nhiều sản phẩm mỹ phẩm không đạt chuẩn. Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như cuối tháng 7/2016, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ lưu hành và thu hồi 13 loại mỹ phẩm thuộc các loại kem trị mụn, chống nám, dưỡng da, dầu gội… không đảm bảo chất lượng với các lỗi như có thành phần công thức sản phẩm trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố; chứa các thành phần không được phép sử dụng trong mỹ phẩm như Clobetasol propionate, Dexamethason acetat.
Phát hiện cơ sở sản xuất mỹ phẩm lậu
TS.BS Văn Thế Trung, Chủ nhiệm bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Những loại kem làm trắng nhanh sau vài ngày chắc chắn có trộn các chất lột, tẩy da. Những chất bôi, tắm trắng có tác dụng nhanh và gây nhiều tác dụng cho da điển hình là corticoid, thủy ngân, hydroquinone, monobenzyl ether hydroquinone…” Đây đều là những chất mà FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) cấm sử dụng trong mỹ phẩm làm đẹp.
Bằng những cách đơn giản, người tiêu dùng có thể phần nào tự kiểm tra được mỹ phẩm kém chất lượng như kiểm tra mã vạch bằng cách nhìn 3 số đầu tiên của mã vạch và đối chiếu với bảng số mã vạch của các nước để tìm ra xuất xứ của hàng hóa; Bao bì không sắc nét, hình ảnh, chữ viết, màu sắc trên bao bì không cân đối và đặc biệt, giá quá rẻ so với thị trường hoặc bằng giá với mỹ phẩm chính hãng.
Chọn mỹ phẩm, chọn đơn vị đạt chuẩn CGMP
Theo các chuyên gia, khi lựa chọn mỹ phẩm, người tiêu dùng cần chú ý đến những thành phần được ghi trên bao bì, lựa chọn những thương hiệu uy tín trên thị trường, tìm mua tại những đại lý chính hãng, những sản phẩm có thành phần thiên nhiên. Không nên quá tin vào những sản phẩm được giới thiệu làm trắng da cấp tốc, siêu tốc.
Ngoài ra, những người sành dùng mỹ phẩm hay chuyền tai nhau một chứng nhận tin cậy khác là logo đạt chuẩn CGMP Asean – Bộ Y tế. Vậy CGMP là gì?
CGMP – Asean được xem là niềm tin hữu hình của các sản phẩm mỹ phẩm chất lượng
CGMP là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Cosmetic Good Manufacturing Practices” – “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” bao gồm những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất, các kiểm tra, kiểm soát trong suốt quy trình sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn, do Cục quản lý Dược – Bộ Y tế cấp.
Để đạt được chứng nhận trên đòi hỏi đơn vị sản xuất phải xây dựng và áp dụng một Hệ Thống Quản Lý Chất Lượng nghiêm ngặt, khắt khe gồm các tiêu chuẩn về Nhân sự - Đào tạo, Nhà xưởng - Máy móc thiết bị, Vệ sinh, Thẩm định – Đánh giá, Hồ sơ tài liệu, các Qui trình thao tác chuẩn, Kiểm tra chất lượng và Đảm bảo chất lượng cũng như giải quyết khiếu nại của khách hàng v.v.
Theo các nhà chuyên môn, các đơn vị sản xuất mỹ phẩm đạt chuẩn thường được kiểm soát ổn định về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế cũng như tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm chung của các nước ASEAN.
Là một trong số ít các nhà máy tại Việt Nam đạt chuẩn CGMP - Asean, Ông Hoàng Minh Hoàng- Giám đốc Nhà máy Hoa Thiên Phú Bình Dương (thuộc Công ty CP Dược Phẩm Hoa Thiên Phú), cho biết: “Là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn CGMP – ASEAN, chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Nhà máy đã xuất sắc đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn để phục vụ cho xuất khẩu. Đây là yêu cầu quan trọng để đạt được chứng nhận CGMP – Asean”.
Tuy nhiên việc thanh kiểm tra sau khi đạt chuẩn cũng cần được chú ý. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: “Việc kiểm tra chất lượng mỹ phẩm được tiến hành thường xuyên bởi các Viện kiểm nghiệm, Trung tâm kiểm nghiệm. Nếu phát hiện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm có sử dụng chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm thì Sở Y tế ngoài việc xử phạt tiền theo quy định sẽ ra quyết định thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và đình chỉ lưu hành sản phẩm trên địa bàn TP.HCM, báo cáo về Cục Quản lý dược để tiến hành đình chỉ lưu hành trên toàn quốc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp vi phạm tiến hành thu hồi sản phẩm mỹ phẩm để tiêu hủy.”
Chính vì thế, trong lúc thị trường mỹ phẩm đang “vàng thau lẫn lộn” thì CGMP – Asean được xem là niềm tin hữu hình của các sản phẩm mỹ phẩm chất lượng với người tiêu dùng.
Nam Anh
No comments:
Post a Comment