Dược mỹ phẩm đang là dòng sản phẩm có xu hướng tiêu dùng phát triển ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả, hồi 14h30 chiều ngày 13/1/2017, Tạp chí Tư vấn Tiêu & Dùng đã tổ chức Tọa đàm truyền thông với chủ đề: Dược mỹ phẩm: Hiểu đúng & Dùng đúng.
Đến dự buổi toạ đàm có các chuyên gia đầu ngành về dược phẩm, da liễu… như: PGS.TS. Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cấp cao về dược học; PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Y Dược, ĐHQG Hà Nội; GS.TS. Phạm Xuân Sinh, nguyên chủ nhiệm bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội; GS.TS. Bs. Phạm Văn Hiển, nguyên Viện trưởng Viện da liễu, nguyên chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam; GS.TS. Phùng Hòa Bình, chuyên gia về dược học cổ truyền…
Ngoài ra còn có sự tham dự của bà Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Hội tạo mẫu tóc TP. Hà Nội; Bs. Đỗ Ánh Nguyệt, chuyên gia về da liễu, Chủ hệ thống chăm sóc sức khỏe Dr. Moon… đại diện cho tiếng nói của người tiêu dùng. Đặc biệt, Ths.,Ds. Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương cũng tham dự với tư cách là đại diện cho doanh nghiệp sản xuất.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Y - Dược, ĐH Quốc Gia Hà Nội đã bắt đầu buổi toạ đàm với phần trình bày về cơ sở để nhận biết mỹ phẩm và dược phẩm (từ chuyên môn gọi là mỹ phẩm có hoạt tính - cosmeceuticals) để có thể sử dụng tốt hơn. Theo ông Hải, thuật ngữ “Cosmeceuticals” hiện mới được ghi nhận trong giới kinh doanh mỹ phẩm. Tuy nhiên, nó đã định hình một xu hướng phát triển thế hệ mỹ phẩm mới, tạo được sự liên kết đa ngành giữa các chuyên gia về mỹ phẩm, da liễu, các doanh nghiệp sản xuất.
PGS.TS. Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cấp cao về dược học cho rằng: “Khi đề cập đến vấn đề tính an toàn của dược mỹ phẩm, thì cũng phải nhìn nhận rằng dược mỹ phẩm cũng có tồn tại những tác dụng ngoài ý muốn nhất định, chúng ta cũng cần phải đặc biệt chú ý đến điều đó khi sử dụng”.
Tiếp nối các ý kiến, GS.TS. Bs. Phạm Văn Hiển, nguyên Viện trưởng Viện da liễu, nguyên chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam cũng cho biết thêm là: “Ta nên dùng khái niệm dược mỹ phẩm cho các sản phẩm như: sản phẩm làm đẹp nhưng có khả năng hỗ trợ điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào dù là mỹ phẩm hay mỹ phẩm có hoạt tính, chúng ta đều nên bôi thử một chút lên da, nếu thấy an toàn hãy dùng tiếp. Dược mỹ phẩm dùng đặc biệt tốt để trị các vấn đề về da như khô da, viêm da dị ứng, không gây viêm da tiếp xúc hay với sản phẩm dầu gội là không gây rụng tóc…”
Bs. Đỗ Ánh Nguyệt, chuyên gia về da liễu, Chủ hệ thống chăm sóc sức khỏe Dr. Moon đóng góp ý kiến xuất phát từ người vừa làm nghiên cứu, vừa tư vấn sử dụng cho khách hàng. Theo bà Nguyệt, sự chấp nhận của khách hàng với các sản phẩm dược mỹ phẩm rất tốt. Tuy nhiên, khách hàng vẫn còn thiếu kiên nhẫn đôi chút trong việc chờ để thấy được hiệu quả của việc sử dụng dược mỹ phẩm. Điều này thì cũng cần tới tác động của truyền thông đến sự “dùng đúng” của các khách hàng.
Ths. Ds Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Giám Đốc Công ty CP Sao Thái Dương đại diện phía doanh nghiệp sản xuất cũng tỏ ra lach quan về tương lai của dược mỹ phẩm ở Việt Nam. Theo bà Liên, kết quả nghiên cứu của Công ty CP Sao Thái Dương thực hiện tại Bệnh viện Quân Y 103 do PGS.TS Trần Đăng Quyết làm chủ nhiệm đề tài khẳng định: “Sản phẩm dầu Gội Thái Dương 7 an toàn, không có tác dụng phụ nào khi sử dụng, không ảnh hưởng đến công thức máu, chức năng gan, thận. Khoảng 98,39% người tình nguyện dùng thử đã hài lòng và rất hài lòng về hiệu quả của sản phẩm”. Việc sử dụng Ketoconazole trong dầu gội Thái Dương 7 cũng đã được nghiên cứu rất kỹ càng ở Đại học Y Hà Nội, Viện Quân Y 103 và đã được các cơ quan chuyên môn ở Việt Nam thẩm định cho lưu hành sản xuất theo quy mô công nghiệp.
Kết thúc buổi toạ đàm, các chuyên gia đều có chung nhận định khái niệm dược mỹ phẩm tuy chưa được công nhận trong các văn bản quản lý của Việt Nam, nhưng nó là một khái niệm đang được người tiêu dùng sử dụng thường xuyên. Giờ đây, chúng ta có thể hiểu dược mỹ phẩm là những sản phẩm “mỹ phẩm có hoạt tính” để minh bạch thông tin hơn.
Y học cổ truyền phương Đông nói chung và y học cổ truyền của Việt Nam nói riêng có những giá trị rất tuyệt vời trong chăm sóc sức khỏe. Nếu các doanh nghiệp sản xuất biết chắt lọc và ứng dụng thành công việc sử dụng các chiết xuất dược liệu vào mỹ phẩm, tổ chức nghiên cứu khoa học bài bản thì hoàn toàn có thể đưa ra các sản phẩm dược mỹ phẩm có hiệu quả tốt.
Minh Lý
No comments:
Post a Comment