Mỗi cá nhân là một cá thể riêng biệt, và giấc mơ của chúng ta cũng vậy. Chúng ta sẽ có những trải nghiệm khác nhau khi mơ, nhưng đôi khi đó là những trải nghiệm rất thật, như cảm giác ngã từ trên cao xuống đã từng đề cập trước kia.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đi giải mã một giấc mơ kỳ lạ khác. Lấy ví dụ như sau: bạn có một giấc mơ rất quái đản, sau đó thức giấc. Nhưng lạ ở chỗ, bạn dậy rồi mà những hiện tượng ấy vẫn tiếp diễn, theo cái cách rất thực, nhưng không phải thực.
Thế rồi bạn nhận ra việc bạn thức dậy hóa vẫn chỉ là một giấc mơ. Hay nói cách khác, bạn đã mơ thấy mình thức dậy! Khi ấy, bạn đã được trải nghiệm "mơ trong mơ" - hay còn gọi là hiện tượng "thức giả" - false awakening.
"Mơ trong mơ" - khi những giấc mơ thật đến mức khó tin
Đây là một trong những giấc mơ kỳ lạ và khó lý giải nhất trong khoa học. Bạn thức dậy lần đầu tiên trong mơ, nhưng giấc mơ ấy rất thực, đến mức bạn chẳng hề nhận ra là mình đang mơ.
Bạn vẫn làm những việc thường ngày: đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, thay đồ rồi đi làm. Mọi chuyện vẫn diễn ra rất bình thường, chỉ là đến một lúc bạn chợt nhận ra tất cả những gì đã xảy ra đều là mơ.
Nhưng như vậy thì sao? Sự đáng sợ nằm ở chỗ đó là những giấc mơ! Dù rất thật, nhưng mơ là mơ, và nó có thể thay đổi tuỳ theo suy nghĩ của con người. Trong khi đó, tiềm thức của chúng ta thường xu hướng suy nghĩ tiêu cực một cách thụ động.
Giờ hãy tưởng tượng, mọi tình huống xấu nhất có thể đều xảy ra trong cùng một buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy kinh khủng như thế nào? Nếu những giấc mơ như vậy liên tục diễn ra hàng đêm thì sao?
Đó cũng chính là cảm giác của đa số "nạn nhân" của hiện tượng mơ trong mơ. Theo như khảo sát vào năm 2016 trên 557 người, thì đến 324 cho rằng họ cảm thấy stress kinh khủng vì những giấc mơ như vậy.
Mơ như này thì liệu có stress không...
Ngoài ra, khoa học cũng từng ghi nhận một số trường hợp "mơ trong mơ" lặp lại liên tục chỉ trong một đêm. Tức là bạn thức dậy, rồi lại thức dậy, rồi thức dậy một lần nữa mới trở về thế giới thực - giống như bộ phim Inception nổi đình nổi đám hồi năm 2008.
Nguyên nhân khiến người ta "mơ trong mơ"?
Nếu bạn muốn tìm kiếm một câu trả lời chính xác thì xin chia buồn, khoa học hiện vẫn chưa thể khẳng định được nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra hai giả thuyết như sau:
Đầu tiên là vì căng thẳng và lo lắng. Nếu như bạn cảm thấy lo sợ vì những gì sắp sửa xảy ra vào ngày hôm sau, bạn sẽ mơ thấy chính điều đó. Não bộ khi ấy sẽ mơ về việc thức dậy, sau đó tái tạo lại chính xác những gì khủng khiếp nhất có thể xảy ra.
Một số chuyên gia cho rằng sự kỳ vọng không đáng có cũng có thể tạo ra giấc mơ này. Khi lo lắng, bạn sẽ tin rằng mình sẽ gặp ác mộng và thức dậy nửa đêm, hoặc vào lúc sáng sớm (rất sớm ấy). Quá trình ấy sẽ tạo ra hiện tượng "thức giả" mà bản thân bạn chẳng hề hay biết cho đến khi trực tiếp trải nghiệm.
Một giả thuyết khác là do quá trình phân mảnh giấc ngủ của não bộ. Tức là, giấc ngủ của chúng ta được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có thể khu vực "mơ" và khu vực chịu trách nhiệm cho nhận thức bỗng cùng lúc hoạt động. Nhờ vậy, những giấc mơ của bạn sẽ rất thực (còn gọi là vivid dream), và bạn thậm chí còn điều khiển được giấc mơ của mình mà không biết.
"Mơ trong mơ" hay đơn giản là bị "bóng đè"?
Đây là hai hiện tượng rất dễ gây nhầm lẫn, nhưng thực ra khác nhau về cơ bản.
Về bóng đè (sleep paralyzed), nó có thể xảy ra cả khi đang ngủ lẫn lúc thức dậy. Nguyên do là vì có một giai đạn não bộ khiến cơ thể bị tê liệt, nhưng đồng thời trong lúc đó phần não chịu trách nhiệm cho nhận thức đột nhiên tỉnh dậy. Rốt cục, bạn có thể cảm nhận được rất rõ mọi thứ xung quanh, nhưng cơ thể không cách nào cử động, như có gì đó đè nặng lên ngực.
Còn "mơ trong mơ", bạn vẫn có thể không cử động được, nhưng điều đó hoàn toàn diễn ra trong giấc mơ. Nguyên nhân gây ra không phải đến từ não bộ, mà do bạn quá sợ hãi mà thôi.
Làm sao để không bị "thức giả"?
Nhìn chung, "mơ trong mơ" không phải là dấu hiệu của một căn bệnh tâm lý. Trên thực tế, chúng khá phổ biến, đến mức gần như tất cả chúng ta có thể đã trải nghiệm mà không hay.
Tuy nhiên, nếu những giấc mơ như vậy xuất hiện thường xuyên và làm phiền bạn quá nhiều, bạn nên cân nhắc đến gặp các bác sĩ tâm lý.
Trong sinh hoạt hàng ngày, có một số điều bạn cần lưu ý như sau:
- Tránh uống cafe, hoặc đồ uống có cồn vào buổi tối. Đây là các chất khiến bạn dễ... tăng động, qua đó khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng nhiều.
- Nên tập thể dục thường xuyên. Quá trình vận động sẽ giúp bạn giải toả căng thẳng.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc: việc làm này sẽ tạo ra thói quen tốt cho cơ thể, làm giảm khả năng những giấc mơ kiểu như vậy xảy ra.
Nguồn: Sleepless night
No comments:
Post a Comment