Những người mắc bệnh tim mạch thì không nên dùng hỏa liệu pháp. Ảnh minh họa
Bỏng nặng khi làm đẹp cho khách
Vừa qua, chị Nguyễn Thị Minh P (SN 1986) là nhân viên của một cơ sở thẩm mỹ trên đường Điện Biên Phủ, TP Hải Phòng đã bị bỏng nặng khi thực hiện hỏa liệu pháp cho khách hàng.
Trước đó, chị P đã làm theo quy trình là thoa tinh dầu, rồi trải 3 lớp khăn ẩm trên lưng khách rồi đổ cồn dọc lưng lên trên lớp khăn đó và bật lửa đốt. Bình thường lửa cháy khoảng 17 giây thì dùng khăn ẩm dập lửa. Trong khi chị P đang cầm lọ cồn trên tay thì lửa bén nhanh cháy bùng lên cổ, ngực, tay, bụng… Thời gian lửa cháy lâu, lại dập lửa sai cách nên khi vào viện cấp cứu, vết bỏng chiếm hơn 40% diện tích cơ thể chị P.
Theo bác sĩ Đông y Lê Anh Quốc (Hội Đông y TP Hà Nội), cồn có tính chất để gần lửa là bùng cháy. Nếu không có kiến thức dập lửa cồn, dập sai cách thì vết bỏng sẽ sâu và hậu quá rất nặng nề.
Bác sĩ Đông y Lê Anh Quốc cho rằng, việc bỏng cồn của chị P sẽ không quá nặng nếu chị biết dập lửa cồn đúng cách. Là nhân viên spa, hàng ngày dập lửa cho khách, nhưng khi gặp nạn lại quá hoảng loạn chạy đi tìm nước, mà nước thì không dập được lửa cồn. Lúc đó chỉ dập khăn bông ướt vào thì lửa cồn tắt ngay – mà những chiếc khăn đó đang ở bên cạnh chị P.
Theo Sở Y tế Hải Phòng, về góc độ chuyên môn thì cơ sở hoạt động spa trên chỉ cần giấy phép kinh doanh, không cần cấp phép của Sở Y tế. Nhưng cơ sở có 3 điểm sai cơ bản: Một là, không có chứng chỉ kỹ thuật viên cho nhân viên hành nghề; hai là, không có tủ cứu thương; ba là, không có chuông báo cấp cứu.
“Hỏa long cứu” hay “hỏa liệu pháp” là kỹ thuật được đào tạo khi theo học chuyên ngành Y học cổ truyền. Nạn nhân P chưa qua đào tạo chính quy về xoa bóp bấm huyệt, hay hỏa liệu pháp, vì vậy đã bị bỏng nặng khi dùng kỹ thuật hỏa liệu cần chuyên môn y tế. Nhiều nhân viên spa cũng chỉ được học hỏa liệu pháp truyền miệng, không có bài bản, thậm chí do chính những người làm spa truyền cho nhau, mà nhiều khi người truyền còn giấu nghề.
Ai nên dùng hỏa liệu pháp?
Theo bác sĩ Lê Anh Quốc, trong Đông y các bác sĩ gọi hỏa liệu pháp là hỏa long cứu (do khi đốt lửa chạy dài trên lưng, bụng trông như một con rồng lửa). Còn các spa gọi là hỏa liệu pháp – thường nằm trong gói dịch vụ giảm béo.
Việc dư thừa cân là nỗi khổ thẩm mỹ, còn sinh bệnh tật nên nhiều người cần giảm béo. Quá trình giảm béo rất kiên nhẫn và gian nan, với các biện pháp nhịn ăn, bài thuốc, phẫu thuật thẩm mỹ… Các loại thuốc và thực phẩm giảm cân là những con dao hai lưỡi: Nhịn ăn có thể gây thiếu chất, loãng xương, dạ dày cũng bị ảnh hưởng vì chế độ ăn kiêng khắc khổ, mà vòng eo chẳng thon thả hơn mấy. Ăn kiêng nhằm không đưa thêm chất béo vào cơ thể, hay uống thuốc để ngăn cảm giác thèm ăn, không thể xóa tan vùng mỡ thừa, độc tố tích tụ sẵn. Kiêng khem còn tốn thời gian, tiền bạc mà các ngấn mỡ vẫn lộ dần theo tuổi tác. Hỏa liệu pháp ở các spa nhằm thông kinh lạc, hỗ trợ giảm mỡ thừa trên cơ thể (nhất là vùng bụng), tiêu mỡ, săn chắc da, an toàn. Hỏa liệu pháp kết hợp massage, bấm huyệt sẽ giảm trọng lượng cơ thể sau 5-10 buổi trị liệu, còn làm da dẻ hồng hào, ngủ ngon và không phải ăn kiêng…
Ở các spa, nhân viên dùng tinh dầu giảm béo để massage bấm huyệt - cộng hưởng thêm sức nóng của lửa đã làm hóa lỏng mỡ thừa và thải ra ngoài qua mồ hôi, nước bọt, nước tiểu. Nếu bấm chính xác các huyệt đạo trên cơ thể còn giúp co nhỏ thành dạ dày, thải độc ruột, giảm nhanh số đo vòng eo, giúp các mẹ sau sinh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, giảm căng thẳng, tạo tâm lý thoải mái.
Do hỏa liệu pháp đào thải mỡ thừa theo cơ chế bài tiết tự nhiên rất an toàn và hiệu quả, thì vẫn đòi hỏi người béo phải kiên trì, kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập thể thao lành mạnh để giảm mỡ nhanh, khỏe mạnh, thông kinh lạc, khí huyết, tinh thần minh mẫn thoải mái… Sau khi giảm béo thành công, cần biết sắp xếp chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách hợp lý và điều độ để không bị thừa cân, dư mỡ.
Cũng theo bác sĩ Lê Anh Quốc, Đông y còn dùng hỏa liệu pháp để trị bệnh. Liệu pháp này kết hợp 3 trong 1 gồm: Cứu ấm kinh lạc, xoa bóp tinh dầu thảo dược và ấn huyệt - nhằm thải độc toàn thân, tạng phủ. Mỗi lần hỏa liệu từ 1-3 vùng huyệt; Hỏa liệu mỗi ngày hoặc cách nhật (hai ngày 1 lần); Một liệu trình 10-12 lần. Bệnh mạn tính có thể điều trị 2-3 liệu trình.
Khi thấy nóng trong người, căng thẳng, mệt mỏi… co cơ, thường xuyên mất ngủ, giấc ngủ chập chờn, đau đầu, huyết áp không ổn định, các chứng bệnh tiêu hóa, mắt mờ kém... là lúc cơ thể đang quá tải vì độc tố trong môi trường sống, khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, chất béo tích tụ, đặc biệt ở vùng bụng. Còn làm lượng đường huyết, cholestorol tăng lên đáng kể, không tốt cho tim mạch... Lúc này, có thể sử dụng phương pháp hỏa Long Cứu.
- Những người có thể sử dụng phương pháp hỏa long gồm cả nam, nữ bị béo phì, thừa cân, phụ nữ sau sinh, người mệt mỏi… Với phụ nữ, hỏa long cứu còn trị các chứng đau bụng kinh, đau phần phụ, táo bón, tử cung hàn lạnh, u nang buồng trứng, giúp cải thiện khả năng sinh sản…
- Những người mắc bệnh suy thận, ung thư, bệnh tim mạch… thì không nên dùng, nếu dùng cần có tư vấn của bác sĩ.
Uyển Hương
No comments:
Post a Comment