Vào thời gian này, nếu những ai đi trên con đường Nguyễn Hữu Cảnh (hướng từ quận Bình Thạnh về quận 1, TP. HCM) thì sẽ rất thích thú khi nhìn thấy những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp trên một bức tường dài.
Bức tường dài khoảng 60m, ngày nào đó trông thật cũ kỹ, đầy bụi bẩn thì giờ đây đã khoác lên mình những bức tranh phong cảnh quê hương 3 miền non nước Việt Nam. Nhiều người đi ngang qua đây không thể không dừng lại ngắm tranh, chụp hình "check in" với bạn bè.
Nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm phong cảnh trên là 2 chàng trai Trang Khoa (22 tuổi) và Nguyễn Tấn Lực (20 tuổi). Cả hai chàng trai trẻ với niềm đam mê hội hoạ đường phố đã biến hóa bức tường rêu ngày nào thành chuỗi tranh con người, thắng cảnh đầy sinh động.
Theo 2 "nghệ sĩ" trẻ, suốt một tháng qua, cả hai đã miệt mài vẽ tranh bằng những bình sơn xịt cho bức tường này. Bức tường thực chất là hàng rào của một trường mẫu giáo. Sau khi được nhà trường cho phép, hai chàng trai đã nghĩ ra chủ đề kết hợp giữa tranh phong cảnh và nghệ thuật graffiti để khoác "áo mới" cho bức tường cũ kỹ.
Clip: Hai bạn trẻ đang vẽ tranh trên tường giữa phố Sài Gòn - Thực hiện: Tứ Quý.
Mỗi buổi chiều rất đông các bạn trẻ và cả người lớn tuổi ra vui chơi, ngắm những bức tranh về quê hương đất nước.
Khoa và Lực đã tìm tòi những hình chụp địa danh nổi tiếng ở 3 miền đất nước để làm mẫu rồi vẽ theo. Tuỳ vào điều kiện thời tiết để tạo nên những bức tranh hoàn chỉnh và đẹp mắt. Mỗi ngày 2 "nghệ sĩ" trẻ dành thời gian vào buổi chiều để ra tuyến đường này vẽ tranh.
Để tạo nên một bức tranh giống với mẫu, Khoa và Lực mất khá nhiều thời gian mới hoàn thành. Ban đầu phải sơn lót một lớp màu trắng, sau đó chọn màu chủ đạo của bức mẫu rồi dùng sơn xịt lên, tiếp đến mới vẽ chi tiết.
Trong số các danh lam thắng cảnh của từng vùng miền thì bức tranh Chùa Cầu ở Phố cổ Hội An được vẽ lâu nhất, mất hơn 1 tuần mới hoàn thành đúng như trong mẫu. Những bức còn lại thì cũng mất ít nhất từ 3-4 ngày.
Nói về lý do chọn chủ đề này, hai bạn trẻ chia sẻ: "Ngay sau khi được cho phép vẽ thì chúng mình đã nghĩ ngay đến sự kết hợp giữa tranh phong cảnh và nghệ thuật hiện đại được giới trẻ yêu thích là graffiti. Việc chọn vẽ những địa danh nổi tiếng của 3 miền là muốn giới thiệu Việt Nam tươi đẹp với nhiều danh lam thắng cảnh đến với mọi người".
Ruộng bậc thang hùng vĩ ở Sa Pa (Lào Cai) được tái hiện tại bờ tuờng cao hơn 2m, dài khoảng 12m.
Em bé người dân tộc H.Mông ở Sa Pa cũng được tái hiện qua nét vẽ sinh động, hút người xem nhờ sự lém lỉnh và dễ thương.
Bức tường cũ kỹ được thay áo mới, trở nên sinh động hơn.
Hồ Gươm ở Hà Nội được tái hiện tại Sài Gòn qua nét vẽ của 2 họa sĩ trẻ.
Một người đàn ông dừng bên đường để chụp bức tranh Vịnh Hạ Long.
Bức tranh Chùa Cầu ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam được nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn chụp hình kỷ niệm nhất.
Và đây là Sài Gòn phồn hoa, rực rỡ ánh đèn nhìn từ bên kia sông. Bức tranh cũng được nhiều bạn trẻ thích thú "check in".
Một cô gái trong trang phục áo bà ba đúng chất miền Tây Nam bộ chụp ảnh cùng những bức tranh đồng quê.
Rừng tràm U Minh (Cà Mau) cũng được tái hiện qua nét vẽ rất kì công.
Quả dừa nước, loại cây đặt trưng của vùng sông nước phía Nam.
Để tạo nên tác phẩm trên bức tường, 2 chàng trai phải dựa vào mẫu có sẵn.
Việc vẽ tranh bằng sơn xịt sẽ dễ và nhanh hơn bằng việc sử dụng cọ.
Nơi đây đã trở thành địa điểm chụp ảnh lý tưởng của các nhóm nhiếp ảnh trẻ.
No comments:
Post a Comment