hững ngày này, Hà Anh Tuấn khá tất bật với lịch trình làm việc của mình, đi đi về về giữa các chuyến lưu diễn nước ngoài, rồi lại lao vào tập luyện cho Fragile Concert – live concert diễn ra vào ngày 9 & 10 tháng 9 tới tại Hà Nội. Chính vì vậy, để có một buổi gặp mặt cùng anh không dễ. Mà trước nay, Tuấn cũng không có thói quen nói chuyện nhiều với truyền thông, anh không muốn thể hiện quá nhiều khía cạnh khác của mình ngoài âm nhạc.
Với Tuấn, hai từ "ngôi sao" rất phù phiếm. Anh ngại khi nhận mình là một ngôi sao, nhưng khoảng hai, ba năm sau khi bước vào nghề và tiếp xúc với nhiều bình luận tiêu cực trên các diễn đàn hay mạng xã hội, thấy người ta chê chửi, sỉ vả đến mức muốn cãi tay đôi với từng người nhưng bất lực, anh mới biết mình đã là ngôi sao. Buồn cười thay, định nghĩa này lại đến từ điều tiêu cực như vậy.
Bên ly cà phê sáng - người bạn thân quen thuộc trong hơn 10 năm làm nghề, Tuấn nói: "Điều lưu giữ tôi với âm nhạc đến giờ này là bởi vì tôi sống với nó. "Sống" ở đây có nghĩa là mình không phải đóng một vai cho ai khác cả mà mọi kết quả buồn - vui, thăng hoa - đau khổ đều do cái đầu của mình quyết định".
Giữa mùa hè rực lửa năm 2006, chàng ca sĩ với ngoại hình thư sinh, diện chiếc sơ mi màu xanh cốm, bước lên sân khấu "Sao mai điểm hẹn" ngân nga bản "Dẫu phố em qua" một cách trầm ấm, tỉnh táo. Đó là bài hát đầu tiên trong sự nghiệp của Hà Anh Tuấn và mang đến cho anh một cảm giác choáng ngợp đẹp đẽ.
"Cái gì đang xảy ra thế này? Tại sao có thể đông như thế này? Giữa mùa hè rực lửa nóng kinh khủng khiếp mà ở dưới là tiếng la hét của công chúng khán giả sao lại mạnh mẽ nhiệt huyết đến như vậy?" - anh nghĩ trong đầu. Đó là một thế giới hoàn toàn khác, khác xa với những sân khấu âm nhạc trường học mà anh từng oanh tạc hồi còn là học sinh. Đó cũng không còn là một cuộc dạo chơi mà anh "nổi máu anh hùng" ghi tên thi thử cho vui. Mà là cuộc đua khẳng định mình vừa khốc liệt để chạm đến thứ hào quang xa lạ nhất của con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Và đây cũng là nơi chính thức gắn thêm trước cái tên của Hà Anh Tuấn hai từ "ca sĩ".
Giai đoạn sau khi bước ra khỏi cuộc thi, một nhạc sĩ đánh giá Hà Anh Tuấn sẽ đi con đường của Đan Trường, sẽ là Đan Trường thứ hai. Nam ca sĩ nghĩ trong đầu, nếu nổi tiếng giống anh Đan Trường và có nhiều fan thì tốt quá. Nhưng lời nhận xét ấy không đơn giản là một lời khen, mà anh cảm nhận trong đó còn có ít nhiều sự mỉa mai, áp đặt về con đường âm nhạc anh sẽ đi. Chính câu nói đến giờ vẫn không quên được, đã kích thích sự liều lĩnh và quyết tâm chứng minh bằng hướng đi âm nhạc riêng biệt, bằng những sản phẩm chất lượng để đưa câu trả lời đáp lại rằng người này đã nhìn sai.
Hành trình khẳng định con đường đó mất 4 -5 năm nhưng Hà Anh Tuấn vẫn kiên nhẫn chọn cách lao động nghiêm túc để phản biện chứ không lên mặt báo phỏng vấn đối đáp. "Có những chuyện lớn hơn, bức xúc hơn, tôi cũng không chọn cách nói cùng ai mà âm thầm làm việc và nếu may mắn thì sản phẩm mình đưa ra đó là câu trả lời rõ nhất. Chứ chuyện gì cũng nói ra mà không giải quyết thì quá dở", anh nghĩ.
Là một người có cái tôi lớn như vậy, cộng thêm chuyện gì cũng không kể ra mà chỉ giữ trong lòng, cô độc lắm. Bản thân Hà Anh Tuấn biết nhưng chấp nhận điều này.
"Nhưng ai làm nghệ sĩ mà không cô độc? Người ta vẫn chỉ nhìn thấy nghệ sĩ tỏa sáng trên sân khấu, những chỗ đông người, nhưng tận sâu trong họ chính là sự cô độc. Nếu nhìn theo nghĩa tiêu cực thì sự cô độc đến một mức nào đó sẽ giết chết người nghệ sĩ, nhưng nếu thiếu sự cô độc, người nghệ sĩ không thể nào làm nghệ thuật được. Không có thứ nghệ thuật nào sáng tạo mà không có mặt sự cô độc. Đôi khi mình cần phải tự loay hoay, tự đau khổ gào thét với thế giới nội tâm của mình để sinh ra những điều đẹp đẽ", anh nói.
Thời đó, là một tân binh mới của làng nhạc Việt nhưng Hà Anh Tuấn sớm được đánh giá là người có tư duy âm nhạc văn minh và khác biệt. Con đường của Hà Anh Tuấn từ “Café sáng” rồi đến “Sài Gòn radio”… đều mạnh dạn đi những con đường mới đầy rủi ro. Rủi ro ở đây đó là có thể kén tai nghe của công chúng bởi nó không phải là âm nhạc dễ nghe ngay. Đó là lúc Tuấn thấy mình tràn trề năng lượng nhất. Nhưng càng đi xa hơn với lý tưởng riêng, anh nhận ra: công chúng với mình dần dần có khoảng cách.
Bên cạnh đó, đến một lúc Hà Anh Tuấn thấy mối quan hệ giữa truyền thông với nghệ sĩ không còn khách quan. Cả một thời gian anh tâm sự với những người bạn thân là muốn bỏ hát vì chẳng thấy có giá trị gì hay ho để đi theo nữa cả.
"Hát bài hát hay, đi một con đường mới chưa chắc người ta đã ủng hộ vì không có mối quan hệ thân thiết. Nếu không còn khách quan, thì âm nhạc Việt Nam sẽ đi về đâu? Làm gì có sân chơi có ý tưởng mới, cá tính thực sự? Vậy nên bây giờ, tôi rất mừng khi báo chí ủng hộ Lê Cát Trọng Lý, rất mừng khi ủng hộ những nghệ sĩ underground. Xuất phát của họ rất yếu thế, không có gì hết, không ai quan tâm. Lúc trước, nếu không có bùng nổ về mạng xã hội thì chắc họ cũng chẳng có kênh nào để tiếp xúc với công chúng cả", anh nói.
Đó là thời gian Hà Anh Tuấn quyết định ở ẩn, chui vào “hang” vì thấy chán nản mọi thứ, tuy vẫn đang ở giữa quãng sự nghiệp được “tổ nghề đãi”. Nhưng anh lại nghĩ cứ ngồi với chờ lịch hát như vậy rồi lỡ đến một ngày mình không làm chủ cuộc chơi đó nữa, không ai mời nữa thì sao. Trong khi khả năng của mình biết còn làm được bao nhiêu thứ. Thế là anh cảm thấy chán bản thân, chán công việc này.
Anh còn nói với bạn bè thân, sao khán giả bây giờ lại nghe nhạc "bèo" thế. Nhưng rồi sau này, có dịp ngồi nói chuyện lại với những người đã đồng hành với âm nhạc của mình trong nhiều năm, Tuấn mới vỡ lẽ ra một điều: mình đã quá cực đoan trong suy nghĩ. "Xã hội đã thay đổi, lớp khán giả trẻ giờ đây đã là một thế hệ hoàn toàn mới, thế nhưng con đường mình không ăn nhập gì với cuộc đời của họ thì làm sao khiến họ đồng cảm được? Nếu còn muốn đi tiếp, "bán âm nhạc" tiếp thì phải tìm hiểu tâm lí người nghe, phải khách quan hơn, nhìn một chuyện từ nhiều góc nhìn để tìm hiểu vì sao bên kia họ lại phản ứng như vậy đối với sản phẩm của mình đưa ra.
- Với một người thuần chất nghệ sĩ như vậy, vì sao Tuấn lại dùng từ "bán" trong âm nhạc? - Tôi hỏi.
- Chúng ta đừng ngại ngần nói về chuyện mua và bán. Bởi mỗi người khi trưởng thành, chúng ta đều phải bán thứ gì đó để tồn tại và chia sẻ với cộng đồng. Mỗi ngày, ta nhận được từ cuộc đời nhiều thứ thì ngược lại, cuộc đời cũng đòi ta phải bán lại thứ gì đó tương xứng. Đừng hoa mỹ nói rằng người nghệ sĩ thì không thể bán âm nhạc được, và cho rằng việc đó rẻ tiền, phi nghệ thuật. Sai hoàn toàn. Khi nào đi hát đừng lấy tiền nữa, đừng đòi lợi ích từ công chúng nữa, thì hãy nói những điều ấy. Cốt lõi vấn đề là cách anh bán thế nào để người ta nể trọng và phải yêu anh thì đó là kĩ thuật, danh giá của mỗi người.
See Sing Share ra đời cũng bên ly cà phê. Đó là lúc Hà Anh Tuấn thấy mình đi xa công chúng quá rồi. Và bây giờ muốn kéo họ đi con đường của mình thì đầu tiên phải đến gần, phải thuyết phục được họ như một đứa trẻ. "Bao nhiêu năm qua, khán giả cho rằng nhạc Hà Anh Tuấn hay mà khó nghe lắm. Tôi đọc bình luận trên mạng người ta nói thế. Các bạn khó nghe thì bây giờ tôi sẽ hát cái gì dễ nghe trước, vừa hát rồi nói chuyện. Quen rồi thì mới cùng nhau đi tiếp, nghe bài hát mới", anh nói với ánh mắt rạng rỡ.
See Sing Share hiện giờ với Tuấn vẫn là chiếc cầu để anh nói chuyện với khán giả của mình nhanh nhất, đơn giản nhất. Chắc chắn sẽ có nhiều See Sing Share tiếp theo và sau mỗi mùa sẽ là một concert. Anh vẫn còn muốn nuôi "đứa con" này lớn mạnh hơn một chút, nhưng để nói sẽ không định tận dụng cái See Sing Share này và cứ sống mãi an toàn như vậy, thì anh không có ý định đó. Nam ca sĩ nhận mình là người mau chán trong mọi thứ, thế nên có khi anh sẽ chán trước khi công chúng chán nó.
Trong See Sing Share, việc Hà Anh Tuấn cover nhiều ca khúc "dễ nghe" của các ca sĩ trẻ khác mà người ta hay gọi là "nhạc thị trường", bị nhiều ý kiến cho rằng anh lại hát nhạc kém sang. Tôi nhờ Hà Anh Tuấn chia sẻ suy nghĩ về nhạc thị trường và nhạc văn minh. Anh cười, bảo mình không định nghĩa bất kỳ bài hát nào là nhạc thị trường, cũng không có nhạc sang hay hèn. Bằng chứng là dòng nhạc của người bình dân – bolero thì lại đang xuất hiện chễm chệ trên những sân khấu lớn nhất của Việt Nam. Bởi những người giàu nhất của Việt Nam đang ưa thích dòng nhạc này.
"Mình không thích bolero, không hát được bolero thì đừng bao giờ chê. Khán giả họ yêu bolero là vì sao? Là vì bài hát đó tôi nghe khi tôi còn nghèo, khi tôi còn nằm trong lòng mẹ. Nó gắn liền với quãng đời khó khăn nhưng đầy tình yêu thương chắt chiu nuôi lớn tôi. Tại sao lại chà đạp lên cái kí ức ấy của tôi, anh có quyền gì, đúng không? Anh lại bảo đấy là loại nhạc rẻ tiền không thể đứng trên sân khấu? Vậy mà nó đã nuôi tôi và nhiều thế hệ cùng lớn và bây giờ tôi là đại gia ngân hàng. Anh giàu hơn tôi không mà anh nói chuyện về “sang giàu”, mà anh kêu là anh sang trọng hơn tôi?
Vậy nên không có dòng nhạc sang hay hèn, không có dòng nhạc thị trường hay không thị trường mà chỉ có nhạc được làm một cách tử tế hay cẩu thả. Nhạc cẩu thả ở đây là từ người sáng tác cho đến cách hòa âm phối khí một cách bừa bãi, hay người hát không tôn trọng, không hiểu tư duy của người sáng tác. Cuộc đời một nghìn loại người, một nghìn sở thích âm nhạc làm sao mà mình chà đạp sở thích của người khác chỉ vì mình không thích? Đối với Hà Anh Tuấn giá trị âm nhạc không đi ra từ sự sang trọng mà phải đi ra từ kí ức".
Sự kết hợp trở lại của Hà Anh Tuấn và Phương Linh trong See Sing Share gợi lại cho khán giả nhớ về quãng thời gian đẹp nhất trong âm nhạc của họ qua các sản phẩm hát đôi. Trong tim người hâm mộ ngày đó, Hà Anh Tuấn - Phương linh được xem là mối tình đầu của công chúng, không sao thay đổi được. Khán giả luôn mặc định người kết hợp hoàn hảo với Hà Anh Tuấn là Phương Linh, anh đồng ý hoàn toàn: "Cái đó là trời sắp, không thể cãi trời được. Đến bây giờ, mặc dù cũng từng song ca với rất nhiều người nhưng chưa có ai mà khán giả lại ủng hộ, cực đoan bảo vệ như Phương Linh – Hà Anh Tuấn".
Nam ca sĩ thừa nhận, nếu không có tình cảm, không thể nào hát song ca được. Thời gian đầu bước vào Sao Mai Điểm Hẹn, anh bị rung động trước nhan sắc của Phương Linh. Thời trẻ, mọi thứ đến rất nhanh, nhưng tất cả mọi thứ ở những năm thanh xuân đó cũng chỉ là rung động. Rồi nhiều câu chuyện xảy đến khiến cả hai có những khúc mắc không thể nào giải tỏa, mà lý do là do cái tôi của mỗi người nghệ sĩ đều quá lớn, để những điều nhỏ nhặt trở thành vết sẹo lớn trong cảm xúc. Phương Linh và Hà Anh Tuấn có một khoảng thời gian không nhìn nhau. May mắn là đến bây giờ, họ giải tỏa được nỗi lòng để bỏ qua và trở thành những người bạn tốt.
Có thời gian, thấy Phương Linh còn loay hoay trong âm nhạc, Tuấn là người đề nghị Linh vào Sài Gòn và nhờ những người bạn đang làm âm nhạc cho mình giúp Linh. "Bởi vì phải giúp Linh thì lòng Tuấn mới nhẹ được. Tuấn biết cái tôi của Linh kinh khủng lắm, không bao giờ kể về những khó khăn, nhưng thông qua người này người kia thì Tuấn thấy một người con gái cứ loay hoay một mình như vậy thì khổ quá. Cuối cùng chủ động nhắn tin hỏi han và bảo vào Sài Gòn đi, ở trong này âm nhạc thoải mái hơn. Cũng may đợt đó Linh còn nghe lời chứ không cô ấy cũng bỏ hát lâu rồi. Năm sau Tuấn cũng có kế hoạch rủ Linh làm lại đĩa song ca", anh nói.
Hà Anh Tuấn cũng biết mình là người khá cứng nhắc trong tình cảm nên đôi khi cũng khó, khổ cho những người yêu anh. Nó giống như chất hoóc-môn có sẵn trong cá tính, không có thuốc nào giảm cái tôi, giảm sự mau chán, sự lì lợm cứng đầu. Vậy nên khi nghe câu hỏi "Khán giả kỳ vọng nhiều rằng mối tình Phương Linh - Hà Anh Tuấn sẽ thành sự thật thì bản thân anh như nào?", anh bình thản nói: "Chả kỳ vọng gì cả, tình cảm là thứ bình thường đến – đi, được – mất, sao mà kỳ vọng được, sắp xếp cả kế hoạch tình cảm thì khó quá".
Chặng đường 11 năm ca hát, có một điều lớn nhất mà Hà Anh Tuấn thay đổi đó là bản thân anh biết điều và tỉnh táo hơn rất nhiều. Biết điều không có nghĩa là chịu cúi đầu, mà là biết đặt mình vào cuộc sống của người khác để hiểu được câu chuyện của họ trước khi đánh giá, chỉ trích một ai. Anh muốn mình trở thành người khiêm tốn, và sử dụng khiêm tốn làm vũ khí để không ai có cơ hội xúc phạm hay chạm vào cái tôi của mình. "Đôi khi trên báo chí này kia chúng ta thích những lời đao to búa lớn để chứng tỏ. Nhưng cái đó chưa phải là tự cao nhất vì tự cao nhất phải là người khiêm tốn nhất", nam ca sĩ nói.
"Tôi sẽ không bao giờ đứng trên một sân khấu mà khán giả họ không cần mình, bằng bất cứ giá nào". Đó là tuyên ngôn của Hà Anh Tuấn trước đây và cả bây giờ. Anh nhận mình thuộc tuýp nghệ sĩ phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc của khán giả. Anh thà đứng hát miễn phí cho sinh viên để nghe những tiếng cổ vũ reo hò sung sướng, còn hơn cứ cầm một đống tiền đứng hát nhưng chẳng thấy ai có hào hứng nghe nhạc của mình. Giây phút đầu tiên ra sân khấu, anh nhắm mắt lại là có thể tưởng tượng được ngay họ đến vì những tấm vé mời hay đến bằng những tấm vé mua, họ đang mong chờ hay muốn mình hát thật nhanh để những nghệ sĩ khác ra.
Cuối năm qua, tiết mục Hà Anh Tuấn cover 5 ca khúc hits của các ca sĩ trẻ tại Gala WeChoice Awards nhận được rất nhiều sự quan tâm và yêu mến từ khán giả. Đối với những ai hâm mộ anh, có thể nói việc anh chọn hát lại nhạc của các ca sĩ trẻ là một cú chuyển hướng bất ngờ, lệch khỏi quỹ đạo mà họ vẫn biết về Hà Anh Tuấn trước đây. Ban đầu, anh khá ngần ngại khi nhận được lời mời này, nhưng nhờ có sự kiên trì thuyết phục của ban tổ chức đã giúp nam ca sĩ lẫn người hâm mộ có một trải nghiệm thú vị và vui vẻ.
"Tôi yêu mến và trân trọng WeChoice Awards vì đó là một giải thưởng có concept hiếm hoi, vượt lên khỏi giá trị giải trí dành cho giới trẻ. Âm nhạc và các ngôi sao xuất hiện chỉ là một phần rất nhỏ và tôn vinh những nhân vật cùng những câu chuyện tươi đẹp truyền cảm hứng thật sự. WeChoice truyền đi những thông điệp cuộc sống tử tế, từ đó nghệ thuật giải trí cũng mang nhiều sự tích cực và có ý nghĩa hơn. Đó là lý do chính vì sao tôi nhận lời tập luyện và biểu diễn liên khúc 5 bài hits như mọi người đã biết. See Sing Share 2 một phần được tạo cảm hứng cũng là từ cái cớ đó. Cuộc sống thật thú vị khi nó dẫn ta đến những "duyên phận" bất ngờ như vậy", nam ca sĩ bày tỏ.
Hiện tại, lý tưởng lớn nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Hà Anh Tuấn đó là phải "lôi" khán giả vào không khí, không gian nhà hát, tập cho thói quen bỏ một số tiền lớn ra mua tấm vé, ăn mặc đẹp, hồi hộp mong chờ đến nhà hát ngồi thưởng thức âm nhạc. Đấy là thói quen của một người văn minh, là một niềm hạnh phúc. Chứ đừng xem âm nhạc là thứ rẻ rúng ban phát miễn phí. Anh tin những người ủng hộ và đi theo âm nhạc của mình đều có suy nghĩ này.
Bản thân anh cũng hoàn toàn bất ngờ với hiệu ứng vé của Frigile Concert lần này - cháy sạch vé chỉ sau vài tiếng mở bán. Anh không nghĩ luồng khán giả âm thầm chờ nhạc hay, chờ những điều tử tế từ mình lại có thể lớn như vậy. Tuấn muốn lâu lâu tổ chức một cuộc chơi, tìm lại niềm tin của mình, nhưng đồng thời cũng là niềm tin của khán giả. Để họ biết rằng ngoài những thông tin tiêu cực hàng ngày của showbiz, vẫn còn có một vùng đất nếu mệt mỏi thì đến chơi, đến nghe nhạc. Điều Hà Anh Tuấn đang làm là một phần nhỏ trong vùng đất đó, để những người mộng mơ đến với nhau. Đó là điều đáng quý còn đọng lại trong âm nhạc.
Nhật Duy
Hữu Dương
King Pro
Tố Linh, V.