Wednesday, August 16, 2017

Clip: Người Mỹ phản ứng thế nào khi nghe tiếng Anh của người Việt?

Trong những năm gần đây, thế giới phẳng ngày càng phát triển giúp các bạn trẻ Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để có thể trở thành công dân toàn cầu. Các bạn đi du lịch nước ngoài như cơm bữa, nhận được nhiều học bổng đến từ những ngôi trường hàng đầu trên thế giới, bước ra khỏi Việt Nam nhiều hơn và hẳn là có thêm nhiều bạn bè quốc tế. Chính vì thế nên tiếng Anh ngày càng trở nên quan trọng. Không chỉ còn là một môn học ở trường, tiếng Anh giờ đây đã trở thành chìa khoá quan trọng quyết định cho sự phát triển của mỗi bạn trẻ. 

Tuy nhiên, dù có trau dồi nhiều thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn vẫn không thể tránh khỏi những lỗi không đáng có. 

Clip: Cách phản ứng của người Mỹ khi nghe tiếng Anh của người Việt sẽ khiến bạn bất ngờ - Ảnh 1.

Mới đây nhất, Dan Hauer - một thầy giáo người Mỹ hiện đang sinh sống tại Việt Nam, đồng thời là một Youtuber nổi tiếng đã đăng tải một video với tựa dề "Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt" và nhận được rất nhiều sự chú ý. Trong đoạn video dài 15 phút này, Dan đã mời bố mẹ của mình làm khách mời đặc biệt. Cả ba sẽ cùng nhau xem qua những đoạn video của các bạn trẻ Việt nói tiếng Anh và thử đoán xem những bạn trẻ này đang nói gì. 

Hơn 80% ví dụ được đưa ra đều khiến hai bậc phụ huynh bối rối vì không biết vừa nghe gì. Đa phần các lỗi đều khá cơ bản như bỏ qua âm đuôi, đánh sai trọng âm, phát âm sai... Đây có thể là những lỗi nhỏ với người Việt Nam nhưng với người nước ngoài thì lại ảnh hưởng khá nhiều đến ngữ nghĩa của câu nói. Cùng xem thử đâu là những lỗi sai mà người Việt hay gặp nhất cũng như cách mà người Mỹ phản ứng khi nghe chúng ta nói tiếng Anh nhé!  

1. Bỏ qua âm đuôi - lỗi sai cơ bản của người Việt

Mở đầu video, anh Dan đã cho mọi người thấy một lỗi sai cơ bản mà hầu như người Việt nào cũng gặp phải khi phát âm tiếng Anh: Quên hoặc sai âm đuôi. Khi chàng trai trong đoạn video nói: "How much does it cost" (Cái này giá bao nhiêu tiền), mẹ của anh Dan thì nghe thành "How much that it cost" hay "How much dice cups".

Thay vì phát âm chính xác âm đuôi "does it", nhân vật nam chỉ phát âm "doe it" mà quên đi mất hậu tố "S". Người ta còn hay đùa rằng nhiều người Việt học tiếng Anh có thói quen "sờ lung tung" khi chỗ cần thêm "s" thì không và ngược lại.

2. Đánh sai trọng âm

Bất cứ kỳ thi tuyển sinh đại học nào, các sĩ tử cũng nhăn nhó mặt mày với các bài kiểm tra trọng âm. Với người dân các nước nói tiếng Anh, nói đúng trọng âm không có gì là khó khăn nhưng còn Việt Nam, khi đã quen với hệ ngôn ngữ đa thanh sắc, không chú trọng vào yếu tố trọng âm thì xác định trọng âm tiếng Anh là một điều vô cùng phức tạp, lại còn lắm quy tắc.

Và nếu đánh sai trọng âm, đôi khi cả câu sẽ đi tong khi bạn sẽ phát âm sang một từ hoàn toàn khác. Anh chàng trong đoạn video đã đánh trọng âm từ "Police" vào âm tiết thứ nhất, thay vì thứ hai như quy chuẩn và khiến Dan cùng bố mẹ cũng phải bó tay.

Nhiều trường hợp, các bạn bỏ qua luôn trọng âm trong câu, như anh Dan đưa ra ví dụ từ "Big game" và "You ask"; cô nàng trong đoạn video bỏ qua việc phát âm từ "big" và "You" một cách rõ ràng nên người nghe không bắt được nghĩa chính xác của từ.

3. Ngữ pháp sai, từ vựng quá phức tạp

Dù tiếng Anh của người Việt luôn được đánh giá rất cao về mặt ngữ pháp nhưng vẫn có nhiều trường hợp, có gì đó "hơi sai" về ngữ pháp tiếng Anh mà nhiều người Việt vẫn dùng: Một, sử dụng nhiều ngữ pháp quá phức tạp, rườm rà trong văn viết theo kiểu IELTS, GMAT... Hai, cách dùng ngữ pháp mang hơi hướng "nghĩ tiếng Việt đã rồi dịch tiếng Anh ra sau".

Thành thử, khi cô gái trong đoạn video nói "Students don't hit likes for this video" (Học sinh không ấn like cho video này), 2 bậc phụ huynh của anh Dan cũng chỉ biết thở dài ngao ngán khi ngữ pháp không hợp với logic, cách tư duy như người nói tiếng Anh cho lắm. Như anh Dan có giải thích, họ sẽ nói rằng "Students aren't hitting like..."

Ngoài ra, việc sử dụng từ vựng phức tạp không có gì sai, nhưng khi nói một từ mà ít dùng trong giao tiếp như "mindfulness", bạn phải thực sự cẩn trọng trong cách phát âm không thì người nghe có trời mà đoán được.

4. Phát âm sai

Muốn nói hay nói giỏi như nào, trước hết phải nói cho đúng! Tuy nhiên, chưa nói tới việc lên giọng, xuống giọng ở đâu cho hay, ngữ điệu như nào cho ra âm Anh-Anh hay Anh - Mỹ, người Việt đã mắc một tỷ lỗi sai về đọc đúng từ.

Tiêu biểu như trong ví dụ về một cô gái phát âm từ "recent blockbuster"; thay vì phát âm rõ là "s" thì cô nàng lại đọc thành "z" khiến cha của anh Dan đã nghe nhầm thành "reason". Âm "s" và "z" luôn là cơn ác mộng của nhiều người học tiếng Anh, nhất là khi xuất hiện ở cuối số nhiều.

Xem hết 15 phút video, bạn sẽ thấy còn vô số những lỗi phát âm sai từ như vậy. Như là việc phát âm /i:/ và /i/; chỉ một chút khác biệt thôi cũng có thể trở thành hai từ hoàn toàn khác biệt "deeply" và "diply". 

5. Phát âm danh từ riêng tiếng Anh sai

Trên thực tế, lỗi sai này vẫn thuộc về phát âm sai nhưng nhiều bạn trẻ đã quá quen thuộc với các danh từ riêng tiếng Anh được Việt hóa, hoặc nói theo Viet-lish nên đến khi cần đọc chuẩn thì không biết thế nào mà lần. Thay vì đọc đúng là "Kong" thì cô nàng trong video còn phải thêm dấu mũ vào "Kông".

Kể ra lỗi này cũng rất vô vàn, nhất là mấy khái niệm đơn giản như Facebook (Phây-búc), Malaysia (Ma-lay-si-a)... Nếu không chuẩn từ những cái như này, kể cả khi nói với người Việt thì bạn sẽ khó mà sửa sai được khi vào hoàn cảnh cụ thể. 

6. Nuốt âm quá nhiều

Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng mà đọc một từ dài quá, xong người ta chỉ bắt được âm tiết đầu và âm tiết cuối chưa? Spontaneously (tự động, tự phát), mathematic (Toán học)... đảm bảo đã có nhiều lần bạn nói và cố nuốt cho vội từ vì chẳng nhớ cách đó chính xác hoặc lưỡi sẽ níu vào nhau!

Như khi cô gái trong đoạn video nói "Graduate", cha mẹ của anh Dan chỉ nghe từ gì như "Grazh-er-eis". Sử dụng các từ khó, dài với nhiều âm tiết mà không chắc cách phát âm, nhiều bạn sẽ "bla bla" qua từ mà không hề biết.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment