Trong bối cảnh mưa lớn tiếp tục trút xuống diện rộng vào ngày 29-8, tổng số người thiệt mạng được dự đoán là tiếp tục gia tăng và mực nước lũ cũng vậy.
Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), ít nhất 41 triệu người ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt và lở đất gây ra bởi những trận mưa lớn và dai dẳng, bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tận tháng 9.
Trẻ em chèo thuyền ở quận Morigaon, bang Assam - Ấn Độ, hôm 20-8. Ảnh: Reuters
Hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong khi lũ lụt tàn phá hàng chục ngàn tòa cao ốc, bao gồm nhà ở, trường học và bệnh viện - theo LHQ.
Ở Nepal, ít nhất 143 người thiệt mạng, hơn 460.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa và hàng chục người mất tích trong mùa mưa lũ được LHQ mô tả là tồi tệ nhất trong suốt một thập kỷ qua tại quốc gia này.
Một gia đình tạm trú bên ngoài một cửa hàng ở khu vực Jakhalabandha, quận Morigaon, bang Assam - Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Ấn Độ cũng chịu thiệt hại nặng nề không kém khi nước lũ càn quét các bang Assam, Bihar, Odisha, Tây Bengal và nhiều khu vực khác. Theo Reuters, đã có ít nhất 850 người thiệt mạng ở 6 bang Ấn Độ vào tuần rồi.
Tuần này, Thủ tướng Narendra Modi đã đến khu vực Bihar, nơi có hơn 400 người thiệt mạng vì mưa lũ trong những tuần qua. Ông Modi cam kết hỗ trợ hàng triệu USD, đồng thời thúc giục các công ty bảo hiểm đánh giá thiệt hại nhanh chóng để hỗ trợ nông dân.
Một gia đình đến từ bang Bihar - Ấn Độ, được cứu thoát khỏi cơn lũ. Ảnh: Reuters
Thiệt hại được cảnh báo là gia tăng khi mưa lớn tiếp tục hoành hành. Hôm 29-8, mưa lớn trút xuống TP Mumbai (Ấn Độ) gần như cả ngày, làm tê liệt hệ thống giao thông tại đây. Các trường học cũng đóng cửa.
Theo The Hindu Times, các tuyến đường "ngập nước từ đầu gối đến hông" trong khi hàng loạt đường sắt bị lũ cuốn trôi. Ít nhất 5 người đã thiệt mạng tại Mumbai vì mưa lũ, theo NDTV.
BBC đưa tin cư dân Mumbai lên mạng xã hội đề nghị cung cấp chỗ trú ẩn cho người gặp nạn và ngược lại, mong được giúp đỡ. Nhiều người nhắc lại trận lụt khủng khiếp ở Mumbai và các vùng lân cận làm chết hơn 500 người.
Giao thông ở Mumbai hỗn loạn hôm 29-8. Ảnh: Reuters
Xe buýt ngập phân nửa ở Mumbai. Ảnh: Reuters
Lũ lụt khiến ít nhất 41 triệu người ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ảnh: AP
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở Bangladesh, nơi gần 1/3 diện tích lãnh thổ bị ngập do mưa lớn.
Theo thống kê, lụt lội ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 8 triệu người trong lúc ít nhất 140 người thiệt mạng và gần 700.000 căn nhà bị hư hại hay phá hủy hoàn toàn.
Đây được xem là tình hình tồi tệ nhất trong 40 năm qua tại quốc gia có 165 triệu dân này.
Hè này, lũ lụt khiến ít nhất 1.200 ở khu vực Nam Á thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) tuần rồi cho biết Bangladesh đang đối mặt với nguy cơ thiếu thốn lương thực trong thời gian dài do phần lớn diện tích đất trang trại bị hủy hoại trong mùa mưa lũ, đồng thời tiết lộ họ đang hỗ trợ lương thực cho 200.000 người.
"Nhiều người đã mất tất cả: nhà cửa, tài sản và mùa màng" – đại sứ WFP Christa Räder cho biết.
Vụ mùa bị lũ cuốn trôi và tình trạng thất nghiệp cao sẽ diễn ra sau đó. Ảnh: Reuters
Ngoài tình trạng thiếu thốn lương thực, những nạn nhân ảnh hưởng bởi mưa lụt còn đối mặt với nhiều dịch bệnh liên quan đến nước.
Các quan chức cứu trợ cho biết mặc dù cơn bão Harvey ở khu vực Houston, bang Texas - Mỹ, nhận được nhiều sự chú ý hơn, thiệt hại vì lũ lụt ở Nam Á lại nặng nề hơn gấp nhiều lần.
Bangladesh đối mặt với nguy cơ thiếu thốn lương thực dài hạn khi phần lớn diện tích đất nông trồng trọt bị lũ lụt tàn phá. Ảnh: Reuters
No comments:
Post a Comment